Bài toán khó trong xây dựng bến xe ở Thất Khê
LSO-Theo quy hoạch về phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến 2020, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định có 2 bến xe, 1 bến nằm ở phía Bắc (giao cắt giữa quốc lộ 3B và quốc lộ 4A) và 1 bến xe tại khu vực phía Đông, mỗi bến có diện tích tối đa là 1,5ha.
Thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011-2015, nhiệm vụ của huyện là phải vận động xây dựng bến xe phía đông trên quốc lộ 4A (vị trí thuộc xã Đại Đồng) phục vụ vận tải khách và hàng hóa theo đúng quy hoạch được duyệt. Mặc dù huyện Tràng Định dành nhiều tâm huyết vận động, trải thảm đỏ để thu hút doanh nghiệp đến thực hiện quy hoạch từ cuối năm 2011 nhưng mọi nỗ lực của huyện hơn 3 năm qua vẫn chưa có kết quả. Trong khi thị trấn Thất Khê không có bến xe thì hàng ngày có hàng trăm lượt xe khách, xe hàng hóa vẫn sử dụng tuyến đường trục chính của thị trấn Thất Khê làm “bến”.
Xe khách chạy theo tuyến tại Thất Khê, Tràng Định đón trả khách ngay tại lòng đường quốc lộ |
Theo số liệu của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định, chỉ riêng các hộ dân trong huyện đang sở hữu trên 30 đầu xe ô tô khách loại 16 đến 29 chỗ ngồi chuyên vận chuyển khách các tuyến ngoại tỉnh như Thất Khê-Lạng Sơn; Thất Khê-Hà Nội; Thất Khê-Thái Nguyên; Thất Khê-Cao Bằng và các tuyến nội tỉnh như Bình Độ-Lạng Sơn; Thất Khê-Lạng Sơn; Lạng Sơn-Quốc Khánh; Lạng Sơn- Áng Mò với năng lực vận tải khách đạt trên 200 nghìn lượt người/năm. Ngoài ra, hoạt động vận tải hàng hóa ra cửa khẩu trên địa bàn huyện hoặc đi Cao Bằng bình quân mỗi ngày cũng có trên dưới 100 xe.
Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội của Tràng Định trong những năm gần đây ngày càng được tăng cường đã thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách qua địa bàn ngày càng tăng. Thuận lợi là vậy nhưng việc vận động thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng bến xe khách trung tâm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đàm Ngọc Minh, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định cho biết: cuối năm 2013, cũng đã có doanh nghiệp đến tìm hiểu, khảo sát xây dựng bến xe tại thị trấn Thất Khê nhưng cuối cùng họ đã không đầu tư. Lý giải về nguyên nhân đề án xây dựng bến xe trung tâm huyện đến nay vẫn chưa thành hiện thực, ông Minh cho biết thêm: có một thực tế là suất đầu tư đối với một bến xe khách loại 4 xây mới có diện tích tối thiểu là 2.500 m2 (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) doanh nghiệp phải bỏ ra khoản kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Trong khi đó, vị trí quy hoạch xây dựng bến xe được UBND tỉnh phê duyệt nằm xa trung tâm huyện tới gần 2 km và cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng bến xe của nhà nước hiện cũng chưa rõ ràng. Tất cả yếu tố trên khó hấp dẫn được nhà đầu tư xây dựng bến xe không chỉ đối với huyện Tràng Định mà còn nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Nhằm bảo đảm an toàn đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, huyện đang tìm địa điểm mở bến xe tạm với diện tích khoảng 500 m2 để quản lý hoạt động vận tải khách. Nhưng để thực hiện điều này trong bối cảnh hiện nay là rất khó bởi quỹ đất công của huyện không còn. Nếu sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư xây dựng dù là bến xe tạm hay bến xe theo chuẩn quy định hiện hành, huyện phải làm thủ tục đăng ký dự án sử dụng đất nông nghiệp với UBND tỉnh và phải được trung ương phê duyệt thì mới đủ điều kiện triển khai. Như vậy bài toán xây dựng bến xe khách của huyện Tràng Định vốn đã rất nan giải thì nay còn nan giải hơn.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()