“Bài toán khó” cần lời giải
– Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kết thúc năm học 2021 – 2022 một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa đang bắt đầu, tuy nhiên, trong khi trẻ em ở thành thị có nhiều điểm vui chơi, các lớp sinh hoạt hè, thì trái lại ở khu vực nông thôn, việc tạo sân chơi an toàn cho trẻ đang là “bài toán khó” cần lời giải.
Trẻ đến tham gia sinh hoạt hè tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học 1 xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng
Kết thúc năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có gần 206.000 trẻ mầm non, học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè. Trong đó, chỉ có khoảng 50.000 trẻ sống ở khu vực thành thị, có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giải trí, các khu vui chơi. Còn lại, khoảng 150.000 trẻ sinh sống ở khu vực nông thôn, ở đây tuy có không gian rộng rãi nhưng lại thiếu sân chơi an toàn.
Tìm hiểu thực tế những ngày cuối tháng 6/2022 ở khu vực đập Cấm Sơn, giáp với các thôn Đồng Thủy, Phương Đông, Thịnh Hòa xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhỏ ở các thôn gần đó đến vui chơi trên bờ đập, thậm chí xuống tắm, bơi lội dưới hồ nước. Em Lưu Anh Tú, thôn Thịnh Hòa cho biết: Thời gian nghỉ hè do không có sân chơi nên em chủ yếu ở nhà xem ti vi, điện thoại và tụ tập với nhóm bạn chơi quanh xóm và lên đập hóng mát, bơi lội, nhất là những chiều nắng nóng.
Sau thời gian học tập căng thẳng, nghỉ hè là dịp để trẻ em thư giãn, vui chơi thỏa thích. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh với điều kiện còn hạn chế, hầu hết các em chủ yếu ở nhà phụ giúp bố mẹ những công việc vặt, xem tivi, chơi game hoặc tận dụng những bãi đất trống, bãi bồi ngoài khu vực sông, suối, hồ, đập để vui chơi, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm có thể xảy ra.
Anh Lý Văn Vương, thôn Đâư Linh, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định cho biết: Nhà có con nhỏ, lại ở gần sông, để trẻ tự do đi chơi thì lo đuối nước, còn muốn tham gia các hoạt động năng khiếu thì ở quê lại không tổ chức. Muốn học các lớp này, chúng tôi phải đưa con lên trung tâm huyện, cách nhà xa và phải đưa đón. Do đó, thời gian hè gia đình để cháu tự do vui chơi với bạn bè trong thôn và nhắc nhở cháu không tự ý đi ra sông tắm.
Có một thực tế là đa số các gia đình ở nông thôn thường bận rộn với công việc đồng áng, không có nhiều thời gian quan tâm tới con mình, nên trẻ em phải tự chơi và tự tìm sân chơi trong những ngày hè. Bên cạnh đó, mặc dù xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em cũng là một trong những chỉ tiêu trong xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, nhưng các địa phương mới chỉ tập trung thực hiện các công trình quan trọng khác mà lại chưa quan tâm tới việc lắp đặt các thiết bị vui chơi dành cho trẻ em.
Anh Lăng Văn Chí, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Vào mỗi dịp nghỉ hè Tỉnh đoàn đều chỉ đạo các đoàn cơ sở phối hợp với các nhà trường tiếp nhận đoàn viên, đội viên sinh hoạt hè. Cùng đó, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình “Sân chơi cho em”. Tuy nhiên, do là địa bàn miền núi, nhiều khu vực điều kiện đi lại xa xôi, khó khăn, trong khi kinh phí ở địa phương còn khiêm tốn nên chưa có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Để tạo dựng nhiều hơn nữa các sân chơi cho trẻ, trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục triển khai mô hình “sân chơi cho em” ở các thôn, bản; cùng đó, phối hợp với chính quyền cơ sở bố trí địa điểm sinh hoạt, vui chơi cho trẻ; tham gia vận động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng các khu, điểm vui chơi giải trí, góp phần tạo nhiều sân chơi cho trẻ em.
Tìm hiểu được biết, từ năm 2017 đến nay, có 350 điểm “sân chơi cho em” được xây dựng. Tuy nhiên con số đó là quá ít so với trên tổng số 1.676 thôn, tổ dân phố trên toàn tỉnh (trong đó, có 1.523 thôn, bản). Từ thực tế đó cho thấy, hiện trẻ em nông thôn trên địa bàn tỉnh đang cần lắm những sân chơi đúng nghĩa và an toàn để các em không thiệt thòi và có điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích trong những ngày hè.
Thời gian tới, để bài toán này sớm có lời giải, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng; cần sớm có kế hoạch trong việc sửa chữa, quy hoạch, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện cho trẻ. Cùng đó, các cấp bộ Đoàn căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để tổ chức các hoạt động với nội dung bổ ích, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu của trẻ để thu hút trẻ tham gia hoạt động vui chơi lành mạnh. Có như vậy, “bài toán” sân chơi cho trẻ mới được giải quyết tận gốc để những kỳ nghỉ hè tới sẽ càng thêm ý nghĩa, bổ ích, vui tươi, an toàn.
Ý kiến ()