Đổi mới đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế tri thức năng động, có sức cạnh tranh cao ở mọi quốc gia trên thế giới. Châu Âu đang hướng tới mục tiêu này, song vẫn tồn tại vấn đề về đầu tư cho đổi mới nếu nhìn vào tỷ lệ xin cấp chứng nhận ứng dụng sáng chế ở Hy Lạp hay Bồ Đào Nha năm 2010: Chưa đến tám đơn trên một triệu dân.Theo Cơ quan Chứng nhận sáng chế châu Âu (EPO), với quy mô dân số lớn gấp tám lần Hy Lạp và Bồ Đào Nha, tỷ lệ xin cấp bằng sáng chế ở Đức là 335 đơn trên một triệu dân. Ở CH Séc, nước có số dân tương đương Hy Lạp, con số này là 16 đơn, trong khi Ai-len, với số dân ít hơn cả, lại có tới 112 đơn. Hiện, Hy Lạp chỉ đầu tư 0,6% GDP cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tương đương năm 1999. Đầu tư cho R&D của Bồ Đào Nha năm 2009 đạt 1,66% GDP, so với 0,69% mười năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trung...
Đổi mới đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế tri thức năng động, có sức cạnh tranh cao ở mọi quốc gia trên thế giới. Châu Âu đang hướng tới mục tiêu này, song vẫn tồn tại vấn đề về đầu tư cho đổi mới nếu nhìn vào tỷ lệ xin cấp chứng nhận ứng dụng sáng chế ở Hy Lạp hay Bồ Đào Nha năm 2010: Chưa đến tám đơn trên một triệu dân.
Theo Cơ quan Chứng nhận sáng chế châu Âu (EPO), với quy mô dân số lớn gấp tám lần Hy Lạp và Bồ Đào Nha, tỷ lệ xin cấp bằng sáng chế ở Đức là 335 đơn trên một triệu dân. Ở CH Séc, nước có số dân tương đương Hy Lạp, con số này là 16 đơn, trong khi Ai-len, với số dân ít hơn cả, lại có tới 112 đơn. Hiện, Hy Lạp chỉ đầu tư 0,6% GDP cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tương đương năm 1999. Đầu tư cho R&D của Bồ Đào Nha năm 2009 đạt 1,66% GDP, so với 0,69% mười năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trung bình cùng kỳ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), từ 2,16% lên 2,3%. I-ta-li-a và Tây Ban Nha đầu tư cho R&D còn ít hơn Bồ Đào Nha và tỷ lệ xin cấp bằng sáng chế thấp hơn Ai-len, lần lượt là 67 và 31 trên một triệu dân.
Số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế và chi phí cho R&D chỉ thể hiện phần nào năng lực sáng tạo của một quốc gia. Nhưng theo Ủy viên phụ trách Chính sách phát triển và đổi mới công nghiệp của Ủy ban châu Âu P.Đrô-en, tồn tại mối tương quan rõ rệt giữa việc đầu tư cho R&D trong Liên hiệp châu Âu (EU) giai đoạn 2004-2009, với tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2011. Các thành viên EU chú trọng đầu tư cho R&D đứng vững và thoát khỏi khủng hoảng sớm hơn các nước khác. Theo các chuyên gia kinh tế, Hy Lạp và Bồ Đào Nha sẽ phải đối mặt những thách thức tăng trưởng trong dài hạn. Dù thành công trong việc thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách với Đức và các nền kinh tế mạnh hơn thuộc khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), tăng trưởng kinh tế của hai nước này chỉ bằng lần lượt 65% và 77% mức trung bình của EU.
Theo đánh giá của hãng Roi-tơ, để thúc đẩy sản xuất và đổi mới, cần chú trọng phát triển công nghệ và thúc đẩy cạnh tranh, chứ không chỉ quan tâm đầu tư cho R&D. Bởi thực tế cho thấy, tại một số quốc gia ở châu Âu, 90% số dự án R&D đóng góp cho phát triển sản xuất ở nước ngoài. Hơn nữa, đổi mới không chỉ phụ thuộc R&D, mà còn nhiều yếu tố khác như công nghệ, nguồn lực, sở hữu trí tuệ và phương pháp tổ chức. Tuy nhiên, nhiều nước không chú trọng đầu tư cho các “tài sản vô hình này”. Theo Ngân hàng Deutsche (Đức), xếp hạng về triển vọng đổi mới của ba nước phải nhận gói cứu trợ quốc tế vừa qua cũng giống thứ tự của họ trên thị trường trái phiếu: Ai-len đứng đầu, theo sau lần lượt là Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Ai-len đầu tư cho R&D dưới mức trung bình của EU nhưng vẫn xếp vị trí cao nhờ lợi thế công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, dược phẩm.
Tuy nhiên, do thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, quá trình đổi mới của Bồ Đào Nha diễn ra chưa như mong muốn. Dù thuộc tốp đầu những nước có nhiều sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ, nhưng nền giáo dục đại học và trung học của Bồ Đào Nha vẫn là rào cản lớn trong hoạt động sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ chất lượng cao do số lượng công việc lao động trí óc tại quốc gia này thấp hơn nhiều so mức trung bình của EU. Chủ tịch Nhóm chuyên trách Bồ Đào Nha của OECD Đ.Hau-gơ nhấn mạnh, nền giáo dục còn nhiều hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến các ngành công nghiệp truyền thống của Bồ Đào Nha khó thích nghi nhanh chóng với sự cạnh tranh từ các nền kinh tế mới nổi.
Tại Hy Lạp, môi trường cho đổi mới tuy được cải thiện trong những năm gần đây, song, có quá ít các dự án nghiên cứu và đổi mới tương xứng nguồn tài trợ; hệ thống giáo dục chưa đúng hướng trong đào tạo kỹ năng và chuyên môn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, A-ten chưa có nhiều tiềm năng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng suất cao.
Các chuyên gia thuộc Ngân hàng Deutsche khuyến cáo, để châu Âu cải thiện tình trạng trì trệ trong quá trình đổi mới, cần bảo đảm môi trường kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới và tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách xóa bỏ rào cản đối với các hoạt động hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới. Các công ty kinh doanh ngành công nghiệp truyền thống như du lịch và dệt may tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha cần nhanh chóng bắt kịp “văn hóa đổi mới” của thị trường. Trong ngắn hạn, với những nước đang rơi vào khủng hoảng, đầu tư nước ngoài đóng vai trò then chốt, giúp thu hút công nghệ hiện đại và phương thức quản lý. Các nước này cần cải tổ môi trường kinh doanh cơ bản theo hướng xây dựng chiến lược kinh tế toàn diện, bao gồm hiện đại hóa khu vực công và cải cách cơ cấu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()