Bài toán còn dang dở
LSO-Theo quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2011 – 2020, xét đến năm 2025 thì tổng diện tích các khu, cụm công nghiệp toàn tỉnh là 784 ha, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có duy nhất Cụm công nghiệp địa phương số 2 huyện Cao Lộc đã hoàn thành, đưa vào khai thác với diện tích 13,1 ha, được lấp đầy với 14 dự án có tổng vốn đầu tư sản xuất trên 176 tỷ đồng.
Sản xuất tại Nhà máy gạch, cụm công nghiệp Na Dương |
DỪNG Ở ĐỊNH HƯỚNG
Do đặc thù là tỉnh miền núi biên giới, việc phát triển công nghiệp có nhiều hạn chế, đến nay tỉnh chỉ có định hướng phát triển cụm công nghiệp được cụ thể trong Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2011 – 2020, xét đến năm 2025, được chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 525/QĐ-UBND ngày 8/4/2011. Theo đó, quy hoạch diện tích đất cho cụm công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 là 784 ha. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 09/QĐ-CP ngày 9/1/2014 của Chính phủ thì tổng diện tích cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được Chính phủ phê duyệt là 537 ha.
Ông Đinh Kỳ Giang, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Đến thời điểm hiện tại, nhiều cụm công nghiệp chưa có tên gọi cụ thể, chưa rõ vị trí và quy mô diện tích. Đơn cử như Khu công nghiệp Na Dương có tổng diện tích 365 ha, bao gồm nhiều cụm công nghiệp, chưa rõ số lượng cụm cũng như diện tích từng cụm. Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cụm công nghiệp nào đi vào hoạt động. Điều này do nhiều nguyên nhân. Trong đó có một số vấn đề cơ bản như: hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh nhìn chung còn yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng huy động các nguồn lực tài chính của các thành phần kinh tế đầu tư vào các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, các khu vực xây dựng khu, cụm công nghiệp được xác định đều nằm trong các khu vực đông dân cư, địa hình phức tạp, có nhiều cây lâu năm và đất trồng lúa… nên có nhiều trở ngại trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, san lấp mặt bằng và suất đầu tư lớn, cao hơn mức bình quân chung.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan trên thì cũng còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan cản trở đến việc phát triển khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Trong đó có vấn đề văn bản về sử dụng đất cho công nghiệp của tỉnh chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc thành lập các khu cụm công nghiệp và việc thực hiện các thủ tục để hưởng nguồn hỗ trợ kinh phí từ trung ương. Đơn cử như theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn thì tổng diện tích các cụm công nghiệp Na Dương là 365 ha và tờ trình của UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung Quy hoạch Khu công nghiệp Na Dương có diện tích là 365 ha nhưng trong Nghị quyết số 09 của Chính phủ thì diện tích các cụm công nghiệp Na Dương gồm cụm I, cụm II và cụm III chỉ có tổng diện tích 150 ha…
CẦN TẬN DỤNG NGUỒN LỰC
Trước những khó khăn trên, để đón luồng đầu tư và đảm bảo các điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và thu hút doanh nghiệp “lấp đầy” các cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành cần có những giải pháp thiết thực. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng mặt bằng sạch cho các cụm công nghiệp. Trước hết là cần có biện pháp huy động nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương. Theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với mức 6 tỷ đồng cho mỗi cụm công nghiệp có thể giúp chủ đầu tư thực hiện đáng kể một số hạng mục hạ tầng đối với cụm công nghiệp với quy mô nhỏ. Theo đó, tùy từng vị trí cụ thể có thể quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp có quy mô diện tích nhỏ từ 3 đến 15 ha hoặc hơn cho phù hợp. Cùng với đó là công tác giải phóng mặt bằng cần nhanh gọn, giao đất kịp tiến độ theo yêu cầu của nhà đầu tư. Kết hợp giữa đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, các chương trình phát triển giao thông với đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp để tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, đảm bảo đầy đủ các yếu tố giao thông, cấp điện, cấp thoát nước cho công nghiệp.
Song song việc huy động nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thì cần gắn đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp với các chương trình hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn để giảm bớt chi phí đầu tư cho địa phương. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng vào cụm công nghiệp, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ chi phí tự san nền trên diện tích đã thuê để xây dựng nhà máy theo quy hoạch. Tổ chức đảm bảo cung cấp đủ các nguồn lực đầu tư vào và tạo mọi điều kiện thuận lợi như khai thác nguồn nguyên liệu, thủ tục đầu tư… cho các doanh nghiệp cụm công nghiệp phát triển. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở Công thương cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách nâng mức hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, chính quyền các địa phương liên quan phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng nhằm hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn.
ANH DŨNG
Ý kiến ()