Phát triển vùng trồng quế Bước chuyển rõ nét
- Những năm gần đây, diện tích trồng quế trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng. Từ cây quế đã đem lại thu nhập cả chục tỷ đồng cho người dân. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống Nhân dân.
Cây quế được trồng rải rác trên địa bàn tỉnh từ lâu. Khoảng 4 năm trở lại đây, từ giá trị kinh tế đem lại, cây quế mới được quan tâm phát triển nhất ở các huyện Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng.
Diện tích tăng mạnh
Cây quế được trồng ở xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định từ nhiều năm trước. Những năm trở lại đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, ổn định, người dân trên địa bàn đã không ngừng mở rộng diện tích trồng.
Ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Thống Nhất, xã Đoàn Kết cho biết: Từ năm 1998, gia đình tôi đã bắt đầu trồng quế với số lượng khoảng 1.000 cây. Khoảng 7 năm trở lại đây, giá bán vỏ quế cao hơn, ổn định hơn, đồng thời các bộ phận khác của cây quế như thân, cành, lá cũng bán được nên giá trị cây quế được cao hơn. Nhận thấy giá trị từ cây quế, mỗi năm gia đình trồng thêm một ít và đến nay, gia đình đã có trên 10.000 cây quế với diện tích trên 5 ha. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm gia đình có thu nhập từ 50-60 triệu đồng từ cây quế.
Cùng với gia đình ông Tuấn, những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây quế mang lại, người dân trên địa bàn xã Đoàn Kết đã đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng quế.
Ông Hoàng Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: Cây quế được trồng trên địa bàn xã từ nhiều năm trước, nhưng phát triển mạnh khoảng 5-7 năm trở lại đây. Cây quế hợp điều kiện khí hậu, đất đai ở đây nên sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh sự chủ động của người dân, UBND xã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường liên kết sản xuất giữa hộ dân với hộ dân, hộ dân với hợp tác xã… Đến nay, các hộ dân trên địa bàn xã đã trồng được hơn 1.000 ha quế, tăng gần 300 ha so với năm 2020. Cây quế trồng khoảng 5-7 năm có thể bắt đầu cho thu hoạch vỏ cũng như cành, lá… Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, người dân trên địa bàn xã Đoàn Kết đã thu được hơn 10,5 tỷ đồng từ cây quế.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây quế, người dân trên địa bàn huyện Bình Gia cũng đã chủ động mở rộng diện tích trồng quế. Ông Hoàng Văn Thiện, thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng keo, bạch đàn, thậm chí có diện tích đất đồi bỏ không. Gần 2 năm trở lại đây, sau khi tìm hiểu mô hình trồng quế ở một số nơi, gia đình tôi đã chủ động trồng 5.000 cây quế. Hiện nay cây quế đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, dự kiến khoảng 3-4 năm nữa bắt đầu cho thu hoạch.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã chủ động mở rộng diện tích trồng quế. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Cây quế được trồng trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm trước, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Tràng Định, Bình Gia… Những năm gần đây, đặc biệt từ khi triển khai Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030, với sự chủ động của người dân và sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, diện tích trồng quế càng được mở rộng. Đến nay, tổng diện tích quế đạt gần 11.000 ha, tăng 8.000 ha so với năm 2019 và vượt xa chỉ tiêu phát triển cây quế theo Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2020-2030 (theo chỉ tiêu đề án, đến năm 2025, toàn tỉnh có 6.000 ha quế).
Hướng tới phát triển bền vững
Được thành lập từ năm 2019, hợp tác xã (HTX) Nông lâm sản Tuấn Vũ, xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định có 10 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thu mua, sơ chế nông lâm sản, trong đó trọng tâm là cây quế.
Ông Mạc Văn Mẫn, Giám đốc HTX cho biết: Những năm gần đây, việc phát triển cây quế trên địa bàn xã diễn ra mạnh mẽ. HTX được thành lập và đi vào hoạt động nhằm góp phần giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm từ cây quế cho người dân trên địa bàn xã cũng như các khu vực lân cận. Từ đó vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm quế cho người dân với giá cao, ổn định, vừa giúp HTX nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm HTX thu mua khoảng 450-700 tấn vỏ quế, 300-500 tấn cành, lá quế.
Tương tự HTX Nông lâm sản Tuấn Vũ, nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của cây quế, năm 2021, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp quế thạch Tân Hòa, xã Tân Hòa, huyện Bình Gia được thành lập.
Ông Nguyễn Văn Võ, Giám đốc HTX cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thu mua, sơ chế các sản phẩm từ quế, cung ứng cây quế giống. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX đã đầu tư máy bào vỏ quế, máy đập cành, máy xẻ để phục vụ cho việc sơ chế vỏ, cành, lá, thân quế. Trung bình mỗi năm, HTX tiêu thụ cho người dân khoảng 50 tấn vỏ, cành, lá quế. Ngoài ra, HTX còn tập trung phát triển mô hình ươm cây giống và bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 300.000-500.000 cây quế giống.
Từ diện tích cây quế tăng mạnh đã có nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện việc tiêu thụ sản phẩm quế cho người dân. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh cây quế.
Ngoài ra còn có nhiều thương lái thu mua sản phẩm từ quế trực tiếp tại các hộ gia đình trồng quế. Do đó đến nay, người trồng quế trên địa bàn tỉnh không lo đầu ra cho sản phẩm mà chỉ tập trung vào khâu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Từ việc mở rộng diện tích cũng như chủ động đầu tư đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị cây quế. Năm 2023, sản lượng quế đạt 867 tấn vỏ quế khô và từ đầu năm 2024 đến nay sản lượng quế khô đạt 586 tấn. Với giá vỏ quế khô dao động từ 40.000-55.000 đồng/kg như hiện nay, giá trị kinh tế từ vỏ quế năm 2023 đạt từ 35-48 tỷ đồng và từ đầu năm 2024 đến nay đạt 23-32 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn có thu nhập từ việc bán cành, lá, thân quế đã thu hoạch vỏ…
Bên cạnh tập trung khâu tiêu thụ sản phẩm, để phát triển cây quế một cách bền vững, các cấp, ngành liên quan đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển cây quế theo Nghị quyết 06 ngày 25/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2020-2030; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030…
Cùng với đó, các cấp, ngành tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất quế theo tổ, nhóm, HTX theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế, chế biến và tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn vốn theo chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng cây giống đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất…
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và những giải pháp đã và đang triển khai thực hiện, tin tưởng rằng thời gian tới, cây quế sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Ý kiến ()