Tăng cường đào tạo nghề phi nông nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho người lao động
- Trong những năm qua, để nâng cao chất lượng lao động khu vực nông thôn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn (LĐNT). Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện kế hoạch 23/KH-UBND ngày 23/1/2024 của UBND tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan về hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đưa chỉ tiêu này vào nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ngành LĐTB&XH phấn đấu đào tạo giáo dục nghề nghiệp các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đạt từ 13.800 lao động trở lên, trong đó 85% trở lên (tương ứng 11.730 lao động) là các ngành, nghề phi nông nghiệp (tăng 6% so với năm 2023), để đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ phục vụ nhu cầu của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng lao động nông thôn
Để đảm bảo công tác đào tạo nghề có hiệu quả, Sở LĐTB&XH thường xuyên chỉ đạo các cơ sở GDNN phối hợp với các địa phương tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; lựa chọn những ngành nghề sát với điều kiện, thế mạnh của địa phương để đào tạo. Với cách làm này, việc dạy nghề từng bước gắn sát với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng dạy nghề và hiệu quả việc làm cho LĐNT sau đào tạo.
Ông Phùng Chí Định, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTB&XH cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, phòng đã tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản triển khai, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về đào tạo nghề để đảm bảo thời gian, tiến độ theo yêu cầu. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề các cấp trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, chú trọng tuyển sinh các ngành nghề phi nông nghiệp, tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo quy định. Cùng với đó, phòng cũng chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện khảo sát nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, qua đó nâng cao trình độ, chuyên môn của người lao động trong doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cùng với đó, phòng cũng chủ động hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN, các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện tập trung nâng cao chất lượng GDNN, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về đào tạo trong GDNN; các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh phấn đấu tuyển sinh mới trình độ cao đẳng, trung cấp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh của đơn vị đề ra, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.
Hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu
Việc đào tạo được tổ chức dựa trên nhu cầu của người học, thị trường lao động và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương để xác định ngành, nghề, trình độ và quy mô đào tạo phù hợp. Qua khảo sát, đa số người lao động đều chọn học các ngành nghề như: sửa chữa máy, gia công mộc, chế biến món ăn, chăm sóc sắc đẹp… Toàn bộ chi phí hỗ trợ đào tạo được thực hiện theo Thông tư số 152/2016/TT-BTC, ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng với mức từ 2 đến 6 triệu đồng/người/khóa học (tùy theo đối tượng áp dụng). Bên cạnh đó, người học nghề còn được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại trong thời gian học nghề, tùy theo đối tượng và khoảng cách từ nơi ở đến nơi học.
Mục tiêu của đào tạo nghề theo kế hoạch của UBND tỉnh nhằm bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với lao động là phụ nữ, LĐNT, người khuyết tật, người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; là người dân tộc thiểu số; dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, hướng dẫn của Sở LĐTB&XH, các huyện, thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, rà soát nhu cầu và xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo phù hợp nhu cầu của LĐNT. Tại huyện Văn Lãng, phòng LĐTB&XH – Dân tộc huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức được 11 lớp nghề theo nhu cầu của người lao động; Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức đào tạo được 12 lớp nghề cho LĐNT trên địa bàn. Ông Phạm Minh Hải, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Văn Lãng cho biết: Để tổ chức thực hiện đào tạo nghề, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, tư vấn chính sách về đào tạo nghề trên loa phát thanh; phối hợp với lãnh đạo, cán bộ phụ trách các đoàn thể xã trực tiếp tuyên truyền, tư vấn cho Bí thư chi bộ, trưởng thôn và bà con trong các buổi họp giao ban tại các xã, các buổi sinh hoạt thôn, các buổi khai giảng, bế giảng, các buổi lên lớp dạy nghề… được gần 20 cuộc, với trên 6 nghìn người tham dự. Với những nỗ lực đó, đến nay, trung tâm đã phối hợp tổ chức được 12 lớp với 404 học viên, tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng, chủ yếu về các nghề: sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của địa phương…
Anh Hoàng Văn Kết, xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng cho biết: Vừa qua tôi được tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp, qua đó giúp tôi nắm bắt được kỹ năng, nguyên lý vận hành, sửa chữa máy cơ bản để có thể ứng dụng vào sửa chữa máy của gia đình, đồng thời về lâu dài có thể nâng cao thêm kỹ năng để nhận sửa chữa máy cho các hộ dân trên địa bàn.
Với những nỗ lực trong liên kết đào tạo và đào tạo theo nhu cầu đã góp phần vào thực hiện hiệu quả chỉ tiêu đào tạo năm 2024 các cấp trình độ trong GDNN được 20.746 học viên (trình độ sơ cấp là 10.260 học sinh; trung cấp là 3.016 học sinh; cao đẳng là 877 sinh viên; dưới 3 tháng là 6.593 học viên); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%, tăng 2% so với năm 2023. Trong đó, chỉ tiêu đào tạo GDNN các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đạt là 14.143 người (kế hoạch năm 2024 là 13.800), đạt 102,4%, vượt 2,4% so với kế hoạch đề ra, trong đó đạt 87% lao động tham gia học các ngành, nghề phi nông nghiệp.
Bà Hoàng Thị Hải, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao, thời gian tới, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; tư vấn học nghề và việc làm cho LĐNT; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT từ nguồn kinh phí của các chương trình, dự án trên lĩnh vực GDNN; đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nghệ nhân, người dạy nghề có tay nghề cao tham gia dạy nghề cho LĐNT; phát triển chương trình, giáo trình đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN rà soát, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho LĐNT; khảo sát nhu cầu học nghề; xây dựng kế hoạch đào tạo; rà soát danh mục ngành đào tạo và tổ chức các lớp đào tạo nghề theo quy định; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng; kết nối việc làm cho người lao động sau đào tạo.
Những nỗ lực trong đào tạo nghề nói chung, nghề phi nông nghiệp nói riêng đã giúp người lao động có trình độ, tay nghề, tự tạo được việc làm, tìm được việc làm phù hợp đạt tỷ lệ khoảng 80%. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()