Bái Phật và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của non thiêng Yên Tử
Danh sơn Yên Tử nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách vịnh Hạ Long khoảng 50km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 110km.
Danh sơn Yên Tử nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách vịnh Hạ Long khoảng 50km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 110km.
Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ, yên tĩnh của núi rừng hòa quyện với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống chùa, tháp và cõi Thiền.
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là Thiền phái Trúc Lâm.
Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.
Dấu tích lịch sử văn hóa hiện tồn tại ở Yên Tử là hàng trăm ngôi tháp thờ xá lợi thiền sư; hàng chục nền móng chùa, am thời Trần-Lê phía dưới những ngôi chùa được phục dựng; hàng nghìn di vật cổ: tượng, chuông, bia đá, ngói, gạch, sứ, sành… với những họa tiết, hoa văn, kiến trúc độc đáo và sáng tạo.
Thiền phái Trúc Lâm đã hội tụ đầy đủ những tinh thần của Phật giáo, nhưng vẫn chứa đựng được những nét độc đáo của Việt Nam.
Vì vậy, Yên Tử cũng được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Từ Yên Tử giáo lý Trúc Lâm phát triển rộng ra khắp vùng Đông Bắc, hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ đã được dựng lên, trong đó có những chùa nổi tiếng như Quỳnh Lâm, Côn Sơn, Thanh Mai…
Sang đến thời Lê, thời Nguyễn, Yên Tử vẫn là trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là sự kết tinh, sự hội tụ của nền văn hóa dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại.
Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hòa với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, chùa, tháp.
Nơi đây có hàng trăm am, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia phật và đặc biệt là hang đá Bảo Sái nơi Thiền tổ Trần Nhân Tông ngồi thiền và viên tịnh ngày 1/1/1308. Hệ thống chùa, am tháp ở Yên Tử tập trung trên sườn núi phía đông của ngọn núi.
Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vỹ đại ở thế kỷ XX, Yên Tử là căn cứ địa cách mạng, nơi bộ đội luyện quân, là vọng gác canh bầu trời Việt Nam.
Không kể Chùa Bí Thượng ở chân dốc Đỏ, chùa Cẩm Thực ở Uông Bí, chùa Lân ở thôn Nam Mẫu thì đường lên Yên Tử sẽ qua một hành trình như sau: Chùa Giải Oan-Hoa Yên-Cổng Trời, tiếp đó là chùa Phổ Đà, chùa Bảo Sái và toạ lạc ở điểm cao nhất của dãy Yên Tử là ngôi chùa Đồng.
Có thể kể đến một số địa điểm và kiến trúc Phật giáo chính ở Yên Tử như Chùa Bí Thượng, Chùa Cầm Thực, Chùa Lân, Chùa Giải Oan, Chùa Hoa Yên, Chùa Bảo Sái, Chùa Đồng…
Những giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt của khu di tích đã đưa Yên Tử trở thành một chốn thiêng trong đời sống tinh thần của người Việt.
Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết đinh số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012).
Trong nhiều năm qua, Quần thể du lịch tâm linh vùng núi Yên Tử đã liên tục được bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của phật tử, du khách trong và ngoài nước hành hương về đất phật trong mỗi dịp đầu Xuân.
Về Yên Tử, ta về với núi rừng vùng Đông-bắc Việt Nam. Rừng núi điệp trùng, muôn dải núi đều chầu về Yên Tử, ngọn núi cao (1.068 mét) rừng đại ngàn che phủ, cây mọc chênh vênh trên vách đá, thấp thoáng tháp chùa cổ kính rêu phong, thác đổ, suối reo…, đẹp như những bức tranh thủy mạc.
Về Yên Tử, lên ngọn núi xưa có nhiều tên gọi: Tượng Sơn (Núi Voi), Bạch Vân Sơn (Núi Mây Trắng), Phù Vân Sơn (Núi Mây Nổi), Linh Sơn (Núi Thiêng), An Tử…, đỉnh núi còn lưu dấu tích kiến tạo vỏ trái đất cách đây khoảng 10 triệu năm, trong núi có mỏ than rất lớn.
Rừng tự nhiên lưu giữ nhiều nguồn gene động vật và thực vật: trong 206 loài động vật có xương sống ở đây, có hơn 20 loài quý hiếm ghi danh trong Sách đỏ Việt Nam như sóc bay lớn, voọc mũi hếch, ếch ang, ếch gai, thằn lằn cá sấu….
Còn trong số 830 loài thực vật, có 38 loài đặc hữu quý hiếm như táu mật, lim xanh, lát hoa, thông tre, la hán rừng, vù hương, kim giao…
Đến đây còn được chiêm ngưỡng những hàng tùng, cây đại, vườn cây ăn quả được người xưa trồng đã hơn bảy trăm năm, rừng trúc bạt ngàn, vạt mai vàng xuộm, khóm cúc hoa nở rộ trước sân chùa. Sau mỗi cơn mưa, cầu vồng thường hiện trên dòng suối. Cảnh sắc thiên nhiên thay đổi bốn mùa.
Về Yên Tử, nơi Trời-Đất-Con Người hòa đồng thành một thể, du khách được đi trên những nẻo đường người xưa đã từng đi, tự nâng mình lên sau mỗi bước “thượng sơn,” thu vào mắt cả giang sơn, vũ trụ./.
Ý kiến ()