Bài phát biểu của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Lễ khai mạc Hội thảo Quốc tế
Như tin đã đưa, ngày 10/5/2010 tại Hà Nội đã khai mạc Hội thảo “Du lịch – Động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội” và Phiên họp lần thứ 22 Liên Ủy ban Đông Á – Thái Bình Dương và Ủy ban Nam Á của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh – Uỷ viên Trung ương Đảng đã tới dự và phát biểu tại Lễ khai mạc.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.
PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG HOÀNG TUẤN ANH
CHÀO MỪNG HỘI THẢO DU LỊCH ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KT-XH
Hà Nội, ngày 10/5/2010
—————————-
Kính thưa Ngài Taleb Rifai, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới!
Kính thưa các ngài Bộ trưởng Du lịch, các Trưởng đoàn!
Kính thưa quý vị đại biểu!
Trước hết, thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng ngài Taleb Rifai – Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới cùng toàn thể quý vị đại biểu tham dự Phiên họp lần thứ 22 Liên Ủy ban Nam Á – Đông Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội nghị “Du lịch động lực phát triển kinh tế xã hội”, được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện du lịch quốc tế quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực, diễn ra vào dịp Việt Nam đang sôi nổi tổ chức các hoạt động hướng đến Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 50 năm Ngày Thành lập ngành Du lịch Việt Nam, Năm du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội và đặc biệt là dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Đối với các quốc gia phát triển, du lịch không chỉ đóng góp quan trọng vào nền kinh tế mà còn là sự hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Đối với các nước đang phát triển, du lịch ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, các khu vực gặp nhiều khó khăn.
Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, nhiều nét văn hóa và lịch sử đặc sắc, sự phát triển năng động của nền kinh tế, ổn định về chính trị, cùng với lòng hiếu khách của cộng đồng, ngành Du lịch Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, thu ngoại tệ cho đất nước, thúc đẩy giao lưu văn hoá, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển kinh tế.
Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực quan tâm, chỉ đạo ngành Du lịch phát huy tối đa những tiềm năng con người và thiên nhiên, lợi thế về biển, đảo, các thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và đang từng bước hướng đến một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong 10 năm qua, thu nhập xã hội từ du lịch đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, tỷ lệ đóng góp GDP tăng từ 1,76% năm 1994 lên 6,5% năm 2008. Du lịch là một trong 5 ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất đất nước với 4,05 tỷ USD năm 2009, chiếm trên 55% cơ cấu xuất khẩu dịch vụ. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh, ngày càng đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động từ đô thị đến nông thôn, từ vùng ven biển, hải đảo đến vùng núi, cao nguyên. Sự phát triển du lịch góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho các tầng lớp dân cư trong xã hội. Tính đến nay, các hoạt động du lịch đã thu hút trên 1 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp, ở đâu phát triển du lịch, ở đó đời sống của cộng dân cư được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao, góp phần quan trọng vào xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho nhân dân.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Mặc dù được đánh giá là khu vực kinh tế năng động, tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, giàu tiềm năng để phát triển du lịch, có sự gắn kết với nhau, có mạng lưới giao thông cả đường không, đường bộ, đường thuỷ thuận lợi và ngày càng được cải thiện, nhưng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn không ít bộ phận người dân đang phải vật lộn, đương đầu với cuộc sống khó khăn, nghèo đói.
Chính vì vậy, để du lịch góp phần cải thiện cuộc sống, cần có sự cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ các nước thành viên, với sự trợ giúp tích cực của Tổ chức Du lịch thế giới, các tổ chức quốc tế và khu vực (UNDP, UNESCO, World Bank, ADB, EU, SNV). Với sự đồng lòng hiệp lực và đẩy mạnh hợp tác xây dựng phát triển sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn, hỗ trợ nhau trong công tác tuyên truyền quảng bá thu hút du khách, cùng quan tâm tới vấn đề xóa đói giảm nghèo, tích cực đẩy mạnh xã hội hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, thu hút rộng rãi sự tham gia của cộng đồng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo sức hấp dẫn du lịch cho từng vùng miền, từng tiểu khu vực, huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, du lịch Châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt được những thành quả sâu rộng hơn, hướng tới mục tiêu xóa bỏ đói nghèo, phát triển bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân trong khu vực, củng cố tình đoàn kết gắn bó, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc để phát triển kinh tế – xã hội.
Việt Nam đánh giá cao sáng kiến và những nỗ lực hợp tác chung trong việc tổ chức sự kiện quan trọng này của Tổ chức Du lịch thế giới và sẽ hợp tác tích cực với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong sự nghiệp phát triển du lịch khu vực nói riêng và du lịch thế giới nói chung. Hy vọng rằng, những ý tưởng, những sáng kiến quý báu của quý vị tại hội nghị này sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác du lịch trong và ngoài khu vực, sớm đưa mục tiêu chung của chúng ta trở thành hiện thực, để du lịch thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội. Với niềm tin mạnh mẽ về tương lai phát triển không ngừng của du lịch khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thay mặt nước chủ nhà, chúng tôi chúc Hội nghị thành công, kính chúc quý vị mạnh khoẻ, hạnh phúc, có những ngày thực sự thú vị trên đất nước Việt Nam năng động, thân thiện và mến khách.
Trân trọng cám ơn./.
Ý kiến ()