Bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống bão số 2
Sáng 18/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp đánh giá lại công tác ứng phó với bão số 2.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.
Trên cơ sở thực tiễn các hậu quả của thiên tai nói chung và cơn bão số 2 nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó tập trung vào việc quản lý, tổ chức sắp xếp tàu thuyền cập bờ một cách hợp lý, khi người và phương tiện cập bờ phải phải kiên quyết bằng mọi biện pháp đưa ngươi lên bờ và cư trú tại nơi an toàn. Cần có các biện pháp quyết liệt hơn trong quản lý các phương tiện vãng lai.
Thông tin, cảnh báo liên tục, thường xuyên đối với những người dân ở những vùng có nguy cơ, nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, quản lý việc sinh hoạt, sản xuất, đi lại của người dân trong vùng này cả trước, trong và sau mưa lũ.
Có các giải pháp xử lý hiệu quả đối với các hồ chứa nước sản xuất (đặc biệt đối với các hồ ở miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung).
Để triển khai các công việc tiếp theo nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích (4 thuyền viên tàu VTB26 và 1 người ở Yên Bái).
Tiếp tục tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người chết, nhà bị sập, đỏ; huy động lực lượng giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu không để người dân bị đói, rét và không có chỗ ở. Khẩn trương triển khai khôi phục hệ thống điện phục vụ dân sinh và tập trung bơm tiêu rút nước tại các khu vực bị ngập úng, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau khi nước rút.
Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt quan tâm, chú trọng chỉ đạo quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình xả lũ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Tiếp tục tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại do bão số 2 và mưa lũ gây ra. Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm chỉ đạo, ứng phó bão số 2.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tình hình thiệt hại do bão số 2 gây ra tính đến 7 giờ ngày 18/7 đã làm 4 người chết (1 người tại Hà Giang là ông Lèo Văn Nhùng, 72 tuổi đi đặt ống lấy nước trong đêm bị lũ cuốn trôi; 1 người tại Nghệ An là chị Nguyễn Thị Mai, 48 tuổi bị xà mái tôn sập đè vào người; 2 thuyền viên tàu VTB26 bị lật chìm tại Nghệ An là anh Nguyễn Văn Lãm, 34 tuổi quê Hải Phòng và anh Lê Đắc Tài, 22 tuổi quê Thanh Hóa); 5 người mất tích (1 người tại Yên Bái là chị Hờ Thị Chi, 35 tuổi bị lũ cuốn khi đang trên đường đi làm và 4 người là thuyền viên tàu VTB26 bị lật chìm); 19 người bị thương (Quảng Bình).
Có 54 nhà bị sập, đổ hoàn toàn (Yên Bái 1 nhà, Hòa Bình 7; Thanh Hóa 10 nhà, Nghệ An 35 nhà, Hà Tĩnh 1 nhà); 4.152 nhà bị tốc mái (Thanh Hóa 282 nhà; Nghệ An hơn 3.824 nhà; Hà Tĩnh 45 nhà; Quảng Bình 1 nhà); 26 nhà bị ngập nước (Thanh Hóa 6 nhà, Nghệ An 20 nhà); 31 nhà phải di dời (Yên Bái 21 nhà; Nghệ An 10 nhà).
Tàu cá bị chìm có 53 chiếc (Nghệ An 4 tàu, Hà Tĩnh 6 tàu; Quảng Bình 43 tàu); 2 xà lan và 1 tàu lai dắt hải quân bị chìm ở Quảng Bình; 7 tàu hàng bị mắc cạn tại Quảng Bình.
Tổng diện tích bị ngập do ảnh hưởng của mưa bão số 2 tính đến 19 giờ, ngày 17/7 là 49.270ha. Trong đó diện tích lúa bị ngập là 38.791ha (Lào Cai 41,5ha; Hòa Bình 125ha; Phú Thọ 289ha; Hà Nội 1.368,5ha; Hà Nam 3.269,7ha; Nam Định 21.362ha; Thanh Hóa 2.145ha; Nghệ An 6.130ha; Hà Tĩnh 3.026ha; Quảng Bình 1.033ha).
Diện tích hoa màu bị ngập là 10.479ha (Lào Cai 11 ha; Hòa Bình 334 ha; Phú Thọ 1ha; Thanh Hóa 387ha; Nghệ An 8.311ha; Hà Tĩnh 1.083ha; Quảng Bình 262ha; Quảng Trị 90ha). Hiện các tỉnh đang tập trung bơm tiêu, đến sáng nay diện tích ngập úng đã giảm.
Có 38.948 ha cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị gãy, đổ, giảm năng suất, 88.973 cây xanh bị gãy đổ, 7.320 con gia súc bị chết, cuốn trôi (Nghệ An); 356m đường quốc lộ, 25m đường giao thông địa phương và 2 cầu nhỏ bị sạt lở, hư hỏng, 400m kè, 7.415m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng, 391,43ha và 59 ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 2.603 cột điện bị gãy, đổ; 3 trạm biến áp bị hư hỏng, 10.987m tường rào bị đổ, sập.
Theo báo số 46 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, trên địa bàn các huyện Ngọc Hiển, U Minh đã xảy ra lốc xoáy làm sập 14 căn nhà, 52 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng. Ước thiệt hại khoảng 352 triệu đồng./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()