Bài học đi cơ sở
LSO- Đi cơ sở lấy tư liệu, quan sát, phát hiện là công việc hằng ngày của người làm báo. Sau nhiều năm làm cộng tác viên, cánh làm báo nghiệp dư chúng tôi cũng được trải nghiệm khá nhiều chuyện vui, buồn khi lấy tư liệu viết bài. Xin nêu ra 2 bài học của việc đi cơ sở.
Phóng viên Báo Lạng Sơn tác nghiệp tại xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình. Ảnh: MINH ĐỨC
Để viết bài gửi cho số báo chuyên đề về ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, anh bạn tôi đến ngay trụ sở ủy ban nhân dân của xã nhà để tìm hiểu phong trào hội cựu chiến binh. Ông chủ tịch hội cựu chiến binh xã đã cung cấp khá đầy đủ, phong phú số liệu về thành tích của hội, nhất là phong trào hội viên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Sau khi bài báo được đăng, có nhiều ý kiến dư luận trong xã phản ứng khá gay gắt: “Nhà ông C ở thôn tôi đúng là vừa mới làm nhà. Các hội viên của thôn có giúp đỡ lao động được ngày công nào đâu! Chi hội cũng chả cho ông vay được đồng nào khi làm nhà cả. Thế mà bài báo lại viết là hội viên trong thôn đã đến giúp đỡ gia đình ông C làm nhà được hơn 50 ngày công và giúp được 2 triệu đồng không lấy lãi”. Một hôm, mấy ông cùng xóm ông C đã đến gặp trực tiếp bạn tôi để “chất vấn”. Lúc này, bạn tôi chỉ còn biết thành thật xin lỗi họ. Do anh bạn quá tin tưởng vào số liệu của người cung cấp. Anh đã tự thú nhận với tôi thế này: “Viết về địa phương mình thì làm gì phải đi điều tra số liệu tận nơi để gặp người này, người kia. Chả lẽ ông chủ tịch này người cùng làng lại cung cấp không đúng hay sao?” Có ai ngờ ông chủ tịch nắm số liệu rất quan liêu, không sâu sát thực tế nên nới xảy ra cơ sự này!.
Bài học đi cơ sở là sau khi đã lấy đầy đủ số liệu ở nơi “công đường”, ở trung tâm ủy ban xã rồi thì nhất thiết phải đi xâm nhập thực tế xuống tận thôn xóm, đến tận một số gia đình, gặp người thật, việc thật để cụ thể hóa số liệu vừa mới được cung cấp. Có như vậy thì các số liệu mới được kiểm nghiệm, điều chỉnh, bổ sung và hoàn tất công việc lấy tư liệu ở cơ sở. Làm được như vậy thì số liệu vừa ghi chép được mới có “hồn”, bài viết mới sinh động và một điều nữa là tránh được những số liệu “giả” do người cung cấp sai làm ảnh hưởng đến tính trung thực về bài viết của mình.
Sau khi trao đổi với anh bạn, tôi liền liên hệ kể ngay một mẩu chuyện đi cơ sở để viết bài báo về đề tài cây dưa hấu. Sau khi ông bí thư chi bộ cung cấp xong số liệu, tôi nêu ra đề nghị: “Anh đưa tôi đến thăm một số gia đình trồng dưa hấu tiêu biểu của thôn ta chứ?”. Dĩ nhiên là ông bí thư chi bộ đã nhiệt tình đưa tôi sang ngay mấy nhà trồng dưa hấu điển hình của thôn. Đến nhà nào bà con cũng kể cho chúng tôi nghe về kinh nghiệm trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây dưa hấu khá bổ ích. Bà con còn nêu những tâm tư, băn khoăn và kiến nghị về đường xá đi lại của thôn nhỏ hẹp quá, khách hàng đến mua dưa hấu đều chỉ đi được bằng xe đạp thồ cho nên sức tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế. Giá như đoạn đường về thôn mà ô tô đi được thì thuận tiện biết mấy! Bà con đều nhất trí đóng góp tiền của của mình kết hợp với sự hỗ trợ vốn của ngân hàng huyện và xã để làm đường giao thông nông thôn.
Rõ ràng là những chi tiết này, ông bí thư chưa hề nói đến. Và còn một điều nữa là đến nhà nào, bà con cũng đều quý khách và có “tiết mục” bổ dưa hấu mời chúng tôi. Thật đúng là vừa được ăn, vừa được một bài báo. Lại vừa được bà con tấm tắc khen là sâu sát với dân!
VŨ ĐỨC VƯỢNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()