Bài học đắt giá của những cá nhân từ chối tiêm chủng
Có rất nhiều người cho rằng mình miễn nhiễm với Covid-19 và từ chối tiêm chủng. Tuy nhiên, giờ họ đang phải vật lộn với sự chủ quan của mình, thậm chí là phải trả giá bằng cả mạng sống.
Câu chuyện được đăng tải trên Washington Post đã thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Một vận động viên thể hình khỏe mạnh ở Anh, một người dân ở Canada, và một người dẫn chương trình phát thanh ở Mỹ. Điểm chung của ba người này đó là tất cả đều từ chối tiêm vaccine, mặc dù họ đang sống ở những quốc gia có điều kiện và nguồn cung vaccine dồi dào nhất. Cả ba người họ giờ đều bày tỏ sự hối hận muộn màng. Covid-19 không trừ một ai, sai lầm của mỗi người đều phải trả giá, có thể bằng cả tính mạng.
Một số người dân lo ngại tiêm vaccine phòng Covid-19 có thể để lại phản ứng phụ. Ảnh: Reuters. |
“Đáng lẽ anh nên tiêm vaccine”, Micheal Freedy (39 tuổi) ở Las Vegas, Mỹ nhắn tin cho vợ mình, Jessica DuPreez, ngay trước khi anh qua đời vì Covid-19.
Mới chỉ 2 tuần trước DuPreez và chồng và các con vẫn đang đi nghỉ dưỡng ở San Diego, California.
“Khoảng 3-4 giờ sáng ngày 27-7, anh ấy đánh thức tôi trong cơn hoảng loạn. Anh bảo không thể thở được và cảm thấy có điều không ổn”, DuPreez kể lại.
DuPreez nghẹn ngào kể lại, chồng mình khi đó thậm chí không thể đứng nổi. Họ lập tức đến viện ngay trong đêm và bác sĩ thông báo rằng cả hai phổi của chồng cô đều bị viêm rất nặng.
DuPreez cho biết chồng cô không phản đối việc tiêm chủng. Nhưng giống như nhiều người Mỹ còn ngần ngại, ông bố 5 con muốn chờ đợi để xem vaccine ảnh hưởng như thế nào đến mọi người. Hiện gia đình Freedy kêu gọi mọi người tiêm vaccine ngay để không phải trải qua mất mát như họ đang gánh chịu.
Ở Canada, cô Katharina Giesbrecht (33 tuổi) tin rằng mình không cần tiêm phòng vì có Chúa bảo hộ. Thế nhưng vào tháng 5, Giesbrecht cho biết cô đã nhiễm bệnh bất chấp mặc đồ bảo hộ và bảo vệ bản thân kỹ lưỡng khi ra khỏi nhà.
Các nhân viên tại Trung tâm Y tế Boundary Trails, phía tây nam Winnipeg, Canada – nơi Giesbrecht được điều trị – nói với CBC hồi tháng 6 rằng gần như tất cả bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 đều chưa được tiêm chủng.
Nghịch lý ở những nước giàu
Câu chuyện của những người qua đời sau khi bài trừ tiêm chủng đã thu hút sự chú ý của công chúng ở Anh. Hiện nước này có khoảng 88% người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Tuy nhiên, chính phủ Anh đang cân nhắc làm thế nào để thuyết phục thêm người trẻ tuổi đi tiêm chủng, đặc biệt là khi việc tiêm cho trẻ em vấp phải nhiều tranh cãi. Mỹ và Canada, những nước có lần lượt 58% và 70% dân số được tiêm ít nhất một liều cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.
Covid-19 đang chia thế giới ra làm hai mảng. Nhiều nước giàu ra sức thuyết phục người dân tiêm vaccine, trong khi châu Phi và phần lớn châu Á phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung.
Một cuộc khảo sát ngày 4-8 cho thấy khoảng 53% số người trưởng thành chưa tiêm chủng tại Mỹ tin rằng vaccine có nguy cơ gây hại đến sức khỏe của họ hơn cả nhiễm bệnh. Trong khi nhiều người không chịu tiêm vaccine, số ca mắc vẫn không ngừng tăng cao. Giới chức Mỹ cảnh báo các trường hợp tử vong vì Covid-19 chủ yếu nằm ở nhóm người chưa được tiêm chủng.
Tại Anh, cố vấn khoa học Patrick Vallance cho biết vào tháng 7, nước này ghi nhận 60% số người nhập viện chưa được tiêm chủng.
Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy nên, việc sớm tiêm chủng đầy đủ cho tất cả mọi người sẽ thúc đẩy miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu. Việc tiêm phòng hay không tiêm tùy thuộc ở mỗi người. Tuy nhiên, hãy lựa chọn đúng đắn trước khi quá muộn.
Ý kiến ()