Bài học đắt giá
Một tuần đã trôi qua kể từ khi thảm họa lũ lụt xảy ra ở thành phố Derna, Libya. Lực lượng cứu hộ đang tiếp tục rà soát các tòa nhà bị sập và tìm kiếm trên biển để vớt thi thể nạn nhân khi hy vọng tìm thấy người sống sót ngày một giảm dần.
Trong khi đó, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt đã được tiến hành khẩn trương. Ngày 17-9, Libya bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng tại thành phố Derna, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận lũ.
Bộ trưởng Bộ Y tế chính quyền miền Đông Libya Othman Abduljaleel cho biết, việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng dịch tập trung trước tiên vào các nhân viên y tế, lực lượng cứu hộ và trẻ em. “Có 3 nhóm sẽ được triển khai tiêm chủng đầu tiên, đó là các đội tìm kiếm, nhân viên y tế-những người trực tiếp tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Nhóm thứ ba là trẻ em, đặc biệt là trẻ 1-15 tuổi”, ông Othman Abduljaleel cho hay.
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong trận lũ lụt ở Derna, Libya. Ảnh: AP |
Chiến dịch tiêm chủng được tiến hành tại tất cả khu vực ở Derna. Ngoài ra, Bộ Y tế Libya cũng sẽ tăng cường các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho những người sống sót sau thảm họa lũ lụt.
Trong trận lũ vừa qua, thành phố duyên hải Derna ở miền Đông Libya là “tâm chấn” của thảm họa. Nơi đây đã bị chia cắt thành hai phần sau khi nước lũ cuốn trôi toàn bộ khu vực lân cận. Derna có dân số khoảng 100.000 người trước thảm kịch. Nhưng nay, số người chết và mất tích cùng số người di dời khỏi đây đã chiếm quá nửa. Ngày 17-9, Reuters dẫn báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, số người chết trong thảm họa lũ lụt ở Derna đã tăng lên ít nhất 11.300 người, trong khi hơn 10.000 người vẫn mất tích chỉ riêng tại thành phố này.
Hàng nghìn thi thể bị chôn vùi dưới bùn đất, trôi dạt trên bờ biển Libya sau trận lũ quét, gây lo ngại về dịch bệnh quy mô lớn bùng phát. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho hay, có gần 300.000 trẻ em hứng chịu hậu quả lũ lụt do bão Daniel đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tả, suy dinh dưỡng, tiêu chảy và mất nước ngày càng tăng. Báo cáo của OCHA khẳng định, trẻ em cũng phải đối mặt với “nguy cơ bạo lực và bóc lột ngày càng gia tăng”.
Bên cạnh đó, OCHA cảnh báo nguy cơ tiếp xúc với bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau nhiều năm xung đột đang gia tăng, vì nước lũ hiện đã làm lộ ra nhiều bom, mìn và vật nổ.
Để ngăn ngừa thảm họa nối tiếp thảm họa, Libya đã kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia đã đáp lại lời kêu gọi này, trong số đó có Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia. Ngày 16-9, thông qua cầu hàng không, UAE tiếp tục cử các đội cứu trợ nhân đạo cũng như tìm kiếm cứu nạn đến Libya để khắc phục hậu quả lũ lụt. Kể từ khi thiết lập cầu hàng không vào ngày 12-9, UAE đã điều 17 máy bay chở 450 tấn thực phẩm, lều bạt, bộ sơ cứu và các vật tư y tế khác tới Libya. Hàng hóa viện trợ đã được phân phối ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa, đặc biệt là miền Đông của quốc gia Bắc Phi này. Những nỗ lực của UAE còn bao gồm việc cử các đội tìm kiếm và cứu hộ được trang bị hiện đại để hỗ trợ thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, với tổng số nhân viên lên tới 96 người.
Trong khi đó, Saudi Arabia đã tổ chức chuyến bay cứu trợ đến thành phố Benghazi của Libya, mang theo 90 tấn thực phẩm và vật liệu trú ẩn phân phát cho những người bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt.
Ngoài ra, nhiều quốc gia khác cũng đã cử các đội cứu hộ và viện trợ tới Libya bao gồm: Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức, Phần Lan…
Có thể nói, thảm họa lũ lụt kinh hoàng ở Libya đã để lại cho thế giới những bài học đắt giá về công tác dự báo cũng như sự đầu tư thích đáng cho hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo CNN, ngoài nguyên nhân bão mạnh, thảm họa lũ lụt ở Libya còn trầm trọng hơn do sự kết hợp của nhiều yếu tố, gồm cơ sở hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp, cảnh báo không đầy đủ và tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng. Phân tích về sự việc này, Petteri Taalas, người đứng đầu Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc cho biết, những cảnh báo tốt hơn có thể tránh được phần lớn thương vong ở Derna. Tuy nhiên, bất ổn chính trị tại Libya kèm với việc Derna từng bị tàn phá trong lịch sử và cơ sở hạ tầng của thành phố đã bị hư hỏng sau nhiều năm xung đột đã khiến công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa đều khó thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/bai-hoc-dat-gia-743157
Ý kiến ()