Bài học cho những kẻ phá rừng
Các bị cáo phạm tội hủy hoại tài sản trước vành móng ngựa |
Đất đã có chủ
Ngày 6/1/1996, Lâm trường Hữu Lũng I được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp số: E0027998. Trong đó có các lô e88, e89, khoảnh 32 thuộc thôn Cốt Cối, xã Tân Thành. Ngày 9/11/2009, Tổng Công ty lâm nghiệp Việt Nam ban hành Quyết định số 397 HĐQT/TCLĐ/QĐ sắp xếp tổ chức lại Lâm trường Hữu Lũng I thành các đội sản xuất lâm nghiệp do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đông Bắc (sau đây gọi tắt là công ty) trực tiếp quản lý, điều hành.
Năm 2009, hộ ông Hoàng Văn Thân và hộ bà Vũ Thị Nhung ở thôn Cốt Cối, xã Tân Thành được nhận giao khoán trồng, chăm sóc, quản lý rừng bạch đàn với công ty. Trong đó, ông Thân nhận khoán tại lô e88, bà Nhung nhận khoán tại lô e89, thôn Cốt Cối. Đến năm 2014 khai thác gỗ. Tháng 8-9/2014, các hộ ông Thân, bà Nhung tiếp tục nhận khoán, kinh doanh rừng chồi bạch đàn, trả sản phẩm cuối chu kỳ với công ty tại lô e88, e89.
Biết nhưng cố tình vi phạm
Mặc dù biết ông Thân và bà Nhung đã được công ty giao khoán, chăm sóc, quản lý rừng bạch đàn và hiện nay đang nhận khoán, kinh doanh rừng chồi bạch đàn, nhưng ngày 2/3/2015, 14 người gồm: Hoàng Thị Dần, sinh năm 1964; Hoàng Thị Bé, sinh năm 1980; Lương Văn Cường, sinh năm 1981; Lý Văn Thành, sinh năm 1973; Hoàng Văn Khánh, sinh năm 1977 và vợ là Lương Thị Hương; Hoàng Văn Thơm, sinh năm 1972; Hoàng Văn Như, sinh năm 1990; Lương Văn Hà, sinh năm 1991; Lương Văn Thu, sinh năm 1992; Lý Anh Hùng, sinh năm 1987; Hoàng Thị Phương, sinh năm 1989 đều trú tại xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng. Hoàng Văn Thành, sinh năm 1970; Vy Thị Chích, sinh năm 1969, trú tại xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng cùng nhau đến thôn Cót Cối, xã Tân Thành rồi dàn hàng ngang dùng dao quắm chặt, phá mầm chồi bạch đàn ở lô e89 của bà Nhung. Sau khi chặt, phá xong lô này, cả nhóm tiếp tục chặt phá sang lô e88 của ông Thân.
Trong khi cả nhóm đang chặt phá rừng, ông Thân, bà Nhung đã phát hiện và cùng chính quyền xã Tân Thành, đại diện công ty đến ngăn cản. Đồng thời giải thích rõ cho nhóm người này biết là khu rừng đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty. Nhưng cả nhóm không những không dừng lại mà cố tình chặt phá đến hết toàn bộ lô e88, viện cớ trước đây các lô đất trên do các gia đình này khai phá.
Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm
Hành vi phạm tội của nhóm đối tượng chặt phá mầm chồi bạch đàn nêu trên rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ. Mặt khác, các đối tượng này thực hiện hành vi hủy hoại tài sản của tổ chức, cá nhân một cách công khai, thể hiện sự coi thường pháp luật, biết mà cố tình vi phạm, gây thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu, gây mất trật tự trị an ở cơ sở và gây bất bình trong dư luận.
Bà Trương Thị Hương Giang, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng cho biết: Đầu tháng 12/2015, Tòa án nhân dân huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra vụ án. Các bị cáo đã phải nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật (73 tháng tù cho 13 bị cáo). Riêng Lương Thị Hương sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã. Đây chỉ là một trong những vụ về lấn chiếm đất rừng đã và đang xảy ra phức tạp trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Năm 2015, toàn huyện đã xảy ra 5 vụ hủy hoại tài sản (chặt phá mầm chồi bạch đàn). Tòa án nhân dân huyện đã đưa ra xét xử 3 vụ.
Ý kiến ()