Bài dự thi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Vẽ hình Bác trong địa ngục trần gian Côn Đảo
Kỷ niệm sinh nhật Bác 19-5, tôi đến thăm một người tù Côn Đảo và được nghe cụ Dương Ngoạn nói về sự kiện vẽ ảnh Bác Hồ.
Cụ Dương Ngoạn kể lại: “Khi nghe Đài Phát thanh Giải phóng loan báo: “Chính phủ Dương Văn Minh đã đầu hàng cách mạng rồi!”. Mọi người trong tù run bắn lên như bị cóng lạnh. Lúc nầy bọn cai ngục và lính gác tù đã bỏ trốn không còn một tên nào trong khu vực trại; không ai bảo ai, anh em tù chia nhau chạy ra mở cổng trại.
Riêng trại VII có gần 500 cửa đều được mở tung. Lập tức, Ngoạn được cử làm Trưởng ty Thông tin. Đảo ủy cho tịch thu kho vải lấy các màu đỏ, xanh, vàng tung ra may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng với cờ đỏ sao vàng Tổ quốc đem treo khắp các công sở…
Nhưng sắp tới, lễ mừng chiến thắng giải phóng đảo sẽ tổ chức lớn, không có ảnh Bác làm sao đây? Ông Ngoạn xin ý kiến Đảo ủy cho phép Ngoạn tự vẽ ảnh Bác! Bí thư Trịnh Văn Tư đồng ý ngay. Thế là ông mừng quá, có dịp thực hiện ước mơ vẽ ảnh Bác Hồ đã canh cánh bên lòng suốt 21 năm trời. Bây giờ Ngoạn được Đảng giao vẽ ảnh Bác Hồ, trách nhiệm rất nặng nề và vinh quang lắm!
Suốt đêm Ngoạn nằm trăn trở, giữa trời Đảo tự do mà vẫn không sao ngủ được! Chưa bao giờ tận mắt được gặp Bác, nhưng Ngoạn cố hình dung ra vầng trán cao của Bác, nụ cười hiền từ, chòm râu, sợi tóc của Bác…Ngoạn vùng dậy, đến giá vẽ đã chuẩn bị, bật đèn, cầm bút phác thảo ảnh Bác Hồ với niềm tin tuyệt đối.
Chỉ trong hai ngày và một đêm, qua sự tưởng tượng, hình ảnh Bác trong tấm ảnh cha trao làm hành trang, gói trong túi áo năm nào, đã được thể hiện bằng nét vẽ của chính mình. Ảnh Bác vẽ xong, các đồng chí trong Ban lãnh đạo Đảo ủy đến xem, rất hài lòng. Ai nấy đều bất ngờ “Đẹp quá! Giống quá! Giống Bác Hồ quá!”.
Ảnh Bác được trang trọng đặt trước cổng trại VII và ai đó đã đem bát hương đặt trước ảnh Bác, mùi hương thơm ngào ngạt hòa trong niềm vui của anh em trong trại tù cùng người dân quanh vùng đến lạy Bác mỗi ngày càng đông.
Sáng ngày 7-5-1975, tại Phú Quốc tổ chức mừng lễ chiến thắng và chào mừng bộ đội giải phóng Côn Đảo. Quần chúng Côn Đảo được huy động đi dự rất đông. Buổi lễ tưng bừng, trang nghiêm, hoành tráng chưa bao giờ thấy. Có ảnh Bác Hồ lớn, buổi lễ càng tăng thêm phần trang nghiêm, làm nức lòng người.
Ông Ngoạn mừng lắm, thấy mình đã thỏa nỗi ước mong, vẽ giống ảnh Bác, hoàn thành được nhiệm vụ Đảo ủy giao. Nhưng nước mắt thầm lặng chảy dài. Ngoạn nhớ lại, cũng vào một đêm cuối tháng 5-1954, khi chia tay cha mẹ để bước vào bóng đêm, đổi vùng rời xa đất mẹ! Hình ảnh mẹ sợ mất con, khóc không ra tiếng, trao cho con nắm cơm ghế khoai khô với mấy quả trứng vịt luộc, gói trong mo cau. Tấm lòng người cha mạnh mẽ mà sâu nặng. Cha trao cho con tấm hình của Bác, thay cho bao lời căn dặn, như trao gởi một niềm tin tất thắng, một nỗi lòng thương nhớ sắc son, theo con đến ngày toàn thắng. Ảnh Bác cha trao, đã bị chúng nó cướp của con rồi! Chưa về được với gia đình, nhưng con biết cha đã đi xa. Con vẽ được ảnh Bác Hồ rồi, nhưng cha không thấy được!
Ngày trở về đất liền, tàu Hải quân khu V đưa hơn 900 anh em cập bến Đà Nẵng. Ảnh Bác Hồ được bố trí hai người kiệu đưa xuống tàu và dẫn đầu đoàn tù lên bờ. Hàng ngàn bà con quê hương xuống tận mép nước sông Hàn, nắm tay dắt từng đứa con xa quê mấy chục năm, trở về với đất mẹ trong tiếng khóc lẫn tiếng cười vui sướng tột cùng. Ảnh Bác được trưng bày ở một vị trí trang trọng nhất của Bảo tàng cách mạng Thành phố Đà Nẵng.
Được biết, cụ Dương Ngọan tham gia hoạt động cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, bị địch bắt năm 1956 trong lúc công tác tại xã Tam Xuân, thuộc huyện Núi Thành, cụ đã bị kẻ thù giam cầm, tra tấn dã man suốt 21 năm trời, qua hàng chục nhà lao, từ đất liền khắp miền Nam đến Côn Đảo “địa ngục trần gian”. Riêng tại Côn Đảo, cụ đã bị chế độ Mỹ-Ngụy giam 12 năm cấm cố ở chuồng cọp.
Về lại quê hương sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quôc, cụ Dương Ngoạn về Khu V làm Phó đoàn “Chiến thắng”, sau học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, làm Phó Ban Tuyên huấn huyện Tam Kỳ, kiêm Hiệu trưởng trường Đảng, là Huyện ủy viên. Năm 1983 làm Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, phụ trách Văn hóa-Xã hội và nghỉ hưu năm 1989. Ngoài các chức vụ từ cấp huyện trở lên, khi về địa phương, cụ tham gia công tác xã hội làm Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Núi Thành, làm Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ nhiệm Hợp xã nông nghiệp xã Tam Nghĩa v.v…
Với quá trình công tác cách mạng, cụ Dương Ngoạn được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huy hiệu 40, 50, 60, 65 tuổi Đảng, Bằng có công với nước của Thủ tướng Chính phủ, Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày”, Huy hiệu 10 năm giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng, cùng nhiều phần thưởng.
Hiện nay cụ đã 85 tuổi đời, lão thành cách mạng, sinh hoạt tại Chi bộ khối 5, thị trấn Núi Thành thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Hàng ngày cụ thường đọc báo Đảng, luôn thể hiện trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ để thế hệ trẻ noi theo.
Ý kiến ()