Phản bác luận điệu xuyên tạc Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (kỳ 1)
- Thời gian qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu liên tục tung ra luận điệu xuyên tạc Quy định 41 của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Nhận diện và đấu tranh, phản bác các luận điệu này là cần thiết để góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Kỳ 1. QUY ĐỊNH 41 – BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ
Trong hơn 2 năm qua, việc đưa Quy định 41 vào cuộc sống đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của Đảng ta đối với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhiều điểm mới tại Quy định 41
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Tại Đại hội XIII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng xác định cần phải thực hiện để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới là: “Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Quy định gồm 4 chương với 12 điều.
Thực tế thì không phải đến nhiệm kỳ Đại hội XIII, việc “miễn nhiệm”, “từ chức” mới được đề cập đến. Trước đó, trong nhiệm kỳ Đại hội X, ngày 2/10/2009, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 260-QĐ/TW “Về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ” với những căn cứ cụ thể để xem xét cho cán bộ thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức.
Trải qua hơn 10 năm, việc thực hiện Quy định 260 đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên nhiều nội dung trong quy định không còn phù hợp với thực tế, chưa cập nhật đầy đủ các chủ trương, quy định mới của Đảng về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Cùng đó, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quy định 41 được ban hành, một mặt nhằm khắc phục những điểm chưa phù hợp của Quy định 260; mặt khác thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc xử lý cán bộ theo hình thức miễn nhiệm, từ chức; góp phần bổ sung, hoàn thiện hơn nữa các khâu, các quy trình trong công tác cán bộ.
Điểm nổi bật của Quy định 41 là Bộ Chính trị quy định hai hình thức “miễn nhiệm” và “từ chức” đối với cán bộ và áp dụng trong phạm vi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.
Một trong những điểm nhấn quan trọng thể hiện trong nguyên tắc xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ theo quy định này là: “Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức”.
Theo Quy định 41, thẩm quyền xem xét miễn nhiệm, từ chức được thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Quy định cũng xác định rất rõ căn cứ và quy trình để xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; chính sách khuyến khích khi cán bộ thôi giữ chức vụ, từ chức.
Theo đó, căn cứ về việc miễn nhiệm, từ chức cơ bản bao quát đầy đủ các tình huống đặt ra trong thực tiễn và kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ chủ động từ chức. Căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức được sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa, cập nhật các quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế. Việc xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức được rút ngắn thời gian và thống nhất thành một quy trình để thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Quy định đặt ra yêu cầu là kiên quyết, kịp thời cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đầy đủ căn cứ theo quy định của Bộ Chính trị và tuyệt đối không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.
Quy định 41 ra đời vào thời điểm ngay sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII ban hành Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Quy định 41 cũng được đánh giá là đồng bộ với các quy định khác của Đảng như Quy định 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Do đó, việc ban hành quy định này có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, đảm bảo bộ máy lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Theo Ban Tổ chức Trung ương, giai đoạn 2009-2019, cả nước có 2.268 trường hợp từ chức, chủ yếu ở các địa phương và lý do thực tế xin từ chức chủ yếu là lý do khách quan. Chỉ có một số ít cán bộ từ chức do nhận thấy hạn chế về năng lực, sức khỏe hay không còn uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao…
Tại Hội nghị lần thứ sáu (khóa XIII) từ ngày 3-9/10/2022, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định để cán bộ diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41 và Thông báo số 20-TB/TƯ, ngày 8/9/2022 “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”. Đó là các ông: Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương (đây là những cán bộ do bị kỷ luật, cảnh cáo, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút).
Không chỉ 3 trường hợp nêu trên, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, đồng ý để một số cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước thôi giữ các chức vụ đương nhiệm. Cụ thể qua nửa nhiệm kỳ đại hội (tính đến tháng 9/2023), Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị. Tương tự, các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật về Đảng và về chính quyền, trong đó có 65 cán bộ diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Đáng chú ý lần đầu tiên, cán bộ lãnh đạo cấp cao hàng ngày, hàng giờ tận tâm, tận lực với công việc, được nhân dân yêu mến, kính trọng, nhưng tự nguyện thôi toàn bộ chức vụ trong Đảng cũng như trong chính quyền và đã được Trung ương biểu quyết, nhất trí cho thôi chức mà không cần chờ hết nhiệm kỳ hay thời hạn bổ nhiệm. Đó là trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước; ông Phạm Bình Minh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và ông Vũ Đức Đam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ tính riêng năm 2023, đã có 9 cán bộ diện Trung ương quản lý được cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác. Ở cấp địa phương, đã có hơn 360 cán bộ được xem xét, cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh, thành ủy quản lý.
Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, lần lượt một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng xin từ chức; trong đó có ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước; ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội; bà Trương Thị Mai, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Như vậy, tính đến hết tháng 5/2024, có 6 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII thôi các chức vụ trong Đảng, chính quyền.
Trong những cán bộ đề cập trên đây, có trường hợp xin thôi chức vụ vì bản thân họ thấy rằng mặc dù không vi phạm nhưng vẫn liên đới chịu trách nhiệm do “quản quân” chưa nghiêm, để cấp dưới vi phạm pháp luật. Điển hình là ông Nguyễn Xuân Phúc. Trong thời gian đương nhiệm Chủ tịch nước (từ 5/4/2021 đến 18/1/2023), ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, đất nước; kế thừa, phát huy các thành tựu quan trọng của các nguyên Chủ tịch nước tiền nhiệm… Tuy nhiên, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ (tháng 4/2016 - 4/2021), ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi một số cán bộ cấp dưới có khuyết điểm, vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu.
Việc Trung ương và các địa phương xem xét, đồng ý cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý thời gian qua, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước được thực hiện khẩn trương, đúng quy trình quy định cụ thể tại Chương III, Điều 8, Quy định số 41. Điều này khẳng định hiệu lực thi hành Quy định số 41 sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống; khẳng định bước đột phá tư duy “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trong công tác cán bộ và nhất là sự nghiêm minh trong kỷ luật Đảng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Ý kiến ()