Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
- Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (QLCLNLS&TS), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Ông Nguyễn Công Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS cho biết: Thực hiện văn bản của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường biện pháp quản lý, đảm bảo ATTP và các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT về thực hiện công tác bảo đảm ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, năm 2024, đơn vị đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn thông qua việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành kiểm tra (test) nhanh giám sát ATTP sản phẩm. Đồng thời, siết chặt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ các cơ sở thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Cụ thể, năm 2024, Chi cục QLCLNLS&TS đã tổ chức 2 lớp tập huấn về công tác quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường cho 200 cán bộ, công chức làm công tác QLCLNLS&TS tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; 1 lớp tập huấn cho 25 đại biểu phụ trách công tác QLCLNLS&TS của phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố về các văn bản chuyên ngành, kỹ năng sử dụng một số loại tets nhanh phổ biến gắn với học tập kinh nghiệm mô hình về công tác QLCLNLTS tại tỉnh Thanh Hóa và Hà Nam. Đồng thời, trong năm 2024, đơn vị đã thiết kế, in ấn, cấp phát 14.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về ATTP nông, lâm, thuỷ, sản đến 11 huyện, thành phố.
Song song với công tác tuyên truyền, việc kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp là giải pháp quan trọng được chi cục chú trọng thực hiện. Theo đó, chi cục lấy mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả; chất bảo quản, hóa chất, kháng sinh, phụ gia, chất cấm trong rau, quả, chè, thịt...; ô nhiễm vi sinh trong thịt. Cụ thể, năm vừa qua, chi cục đã tiến hành lấy 584 mẫu tại 11/11 huyện, thành phố để kiểm tra, giám sát, trong đó, qua đó phát hiện 12 mẫu thực phẩm không đạt yêu cầu về ATTP. Đối với các mẫu này, chi cục đã gửi văn bản thông báo đến UBND các huyện, thành phố để tăng cường công tác giám sát quản lý và đề nghị các cơ sở khắc phục.
Theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 8/3/2021 của UBND tỉnh về thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng; tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; đẩy mạnh và phát triển mô hình quản lý ATTP tiên tiến; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính và các bệnh truyền qua thực phẩm. |
Đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, chi cục cũng thực hiện hậu kiểm đối với 41 sản phẩm của 49 cơ sở để kiểm nghiệm một số chỉ tiêu ATTP. Qua công tác hậu kiểm, các cơ sở cơ bản chấp hành các quy định về vệ sinh ATTP.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, chi cục đã khảo sát, hỗ trợ 5 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Theo đó, chi cục đã tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP nông, lâm, thuỷ sản; hướng dẫn thực hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý đảm bảo theo tiêu chuẩn... Nhờ đó, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 28 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cấp giấy chứng nhận.
Chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nhà hàng Hồng Xiêm, thành phố Lạng Sơn cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chúng tôi luôn ưu tiên lựa chọn nguồn nguyên liệu chất lượng, trong quá trình sản xuất, cơ sở luôn thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chế biến đến bảo quản, đảm bảo vệ sinh ATTP. Do đó, hiện nay, cơ sở đã được cấp chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm như vịt quay, gà ủ muối hoa tiêu, khau nhục, lạp xưởng... được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, sử dụng.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, các hợp tác xã, chủ cơ sở, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp ngày càng ý thức, trách nhiệm trong vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP. Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp.
Để đảm bảo ATTP lĩnh vực nông nghiệp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2025, trong tháng 1/2025, chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra vệ sinh ATTP và kiểm tra 6 cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố; lấy 16 mẫu rau để tets nhanh các chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thịt lợn để xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Kết quả, 100% các mẫu đều đạt yêu cầu. Hiện, chi cục tiếp tục kiểm tra ATTP tại 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tháng 1/2025, sở đã ban hành công văn gửi UBND các huyện, thành phố tăng cường biện pháp quản lý đảm bảo chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản. Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về nội dung ATTP; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện phong trào khuyến khích, vận động người dân tham gia giám sát đảm bảo vệ sinh ATTP từ cơ sở, xây dựng kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh, tố giác hành vi vi phạm về ATTP từ cấp cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm sử dụng chất cấm, sử dụng phụ gia vượt định mức, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn...
Việc thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần quan trọng trong đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ý kiến ()