Bãi bỏ một số điều kiện về hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo
Ngày 4/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân Kinh doanh và xuất khẩu gạo, một quy định trong Nghị định 109/CP đang bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp.
Theo Quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.
Bên lề “Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành công thương” diễn ra ngày 6/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ để sửa đổi Nghị định 109/CP về xuất khẩu gạo theo hướng tiếp thu và mở rộng những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và đặc biệt là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Bộ trưởng khẳng định, trong dự thảo mới sẽ có điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới đặc biệt trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn, thị trường do người mua quyết định cũng như tình trạng mất cân đối cung-cầu bắt buộc phải tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất nhất là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới.
Thêm vào đó, các ngành chức năng sẽ có những đánh giá lại thị trường để tìm ra những điểm mạnh và hạn chế trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo khác, từ đó có những định hướng về thị trường tốt hơn, nghiên cứu các giải pháp để hình thành các chuỗi và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp chể biến và doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu.
“Trong nội bộ chúng tôi đã chỉ đạo để lập ban soạn thảo và tổ biên tập để sửa đổi Nghị định 109/CP và cụ thể công tác sẽ triển khai trong năm 2017,” Bộ trưởng cho hay.
Số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến hết ngày 15/12/2016, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 4,68 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD. Lượng và giá trị gạo xuất khẩu giảm khoảng 1,62 triệu tấn và 600 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.
Trước đó năm 2010, xuất khẩu gạo Việt Nam luôn đạt khoảng 6,3 – 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch khoảng 2,7 – 3,3 tỷ USD và liên tục giảm theo các năm, riêng 2013 xuất khẩu chỉ đạt 6,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD; năm 2014 giảm còn 6,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD và năm 2015, Việt Nam chỉ giữ mức xuất khẩu 6,5 triệu tấn/năm.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có một số nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm nhưng trong đó đáng chú ý là nhiều thị trường nhập khẩu chính đã từ bỏ nhập khẩu diện Nghị định thư như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bangladesh do đó xuất khẩu gạo chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mới và thương nhân (diện tiểu ngạch).
Thêm vào đó, trên thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty, ví dụ như trong việc đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất.
Xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu hiện được thực hiện rất “gượng ép” do các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu không có sự khác biệt lớn, rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định.
Do vậy, việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này nhằm loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, đảm bảo tính minh bạch của thể chế, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()