Bãi bỏ 37 thủ tục, không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy
Chiều 26/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo quý IV/2022. Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan bỏ sổ hộ khẩu, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ Công an đã có hướng dẫn 7 phương thức để người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính khi bỏ sổ hộ khẩu.
Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo. |
Trước đó, Bộ Tư pháp ban hành quyết định bãi bỏ 37 thủ tục, không yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để làm thủ tục hành chính
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, hiện nay, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với hơn 58 triệu dữ liệu hộ tịch các loại đang được khai thác, sử dụng hiệu quả. Dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (Bộ Tư pháp) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý) đã sẵn sàng chia sẻ, kết nối.
Về câu hỏi liên quan việc xử lý tài sản bảo đảm thi hành án trong vụ án AIC có khó khăn, vướng mắc gì khi một số đối tượng hiện nay đang bỏ trốn, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, hiện nay, vụ án đang được xét xử theo quy định.
Nếu trong quá trình đó phát sinh vấn đề liên quan thi hành án, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xử lý theo quy định, trong đó có thực hiện thủ tục về tương trợ tư pháp.
Năm 2022, thực hiện phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” của Chính phủ, ngành tư pháp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác.
Các cơ quan tư pháp, pháp chế và hệ thống thi hành án dân sự đã kịp thời ban hành, tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch công tác; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành.
Thực hiện phương châm “Hướng về cơ sở”, Bộ và các cơ quan tư pháp ở địa phương đã tổ chức nhiều chuyến công tác trực tiếp, nhiều cuộc làm việc trực tuyến thúc đẩy công việc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết các phản ánh, đề xuất, kiến nghị của cơ sở, của người dân, doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành được đặc biệt chú trọng.
Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá đã khẳng định những nỗ lực của Bộ trong chỉ đạo cải cách, cũng như trong tham mưu Chính phủ thực hiện cải cách thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả nổi bật. Hệ thống Thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Công tác thi hành án hành chính có nhiều khởi sắc.
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, quản lý xử lý vi phạm hành chính; công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… có nhiều chuyển biến tích cực.
Tại cuộc họp báo, Viện trưởng Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết, trên cơ sở nghiên cứu Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, để xác định các nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ độc lập của các đơn vị, Viện sẽ tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Bộ ban hành chương trình hành động, trong đó xác định rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, sản phẩm đầu ra, nguồn lực bảo đảm.
Theo báo cáo, trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, với sự tham mưu trực tiếp, trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Tổ chức pháp chế, các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 Luật, 6 Nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong số đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn. Hội đồng Phối hợp Phổ biến Giáo dục Pháp luật Trung ương và các địa phương đã tổ chức được nhiều hoạt động, có hiệu quả tích cực.
Công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã đã giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân về đăng ký khai sinh mới cho 1,8 triệu trường hợp; đăng ký khai sinh lại cho gần 910.000 trường hợp; đăng ký khai tử cho trên 740.000 trường hợp; đăng ký kết hôn cho khoảng 730.000 cặp và hàng triệu yêu cầu về chứng thực văn bản, giao dịch.
Hoạt động bổ trợ tư pháp đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, với gần 8,9 triệu hợp đồng, giao dịch được công chứng, hơn 24.000 cuộc bán đấu giá thành và các luật sư thực hiện hơn 115.000 vụ việc (tăng 65,6% so với năm 2021).
Kết quả thi hành án dân sự xong về tiền đạt hơn 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021; số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.
Chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao; tiến độ được đẩy nhanh hơn. Bộ Tư pháp thẩm định 283 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 521 dự thảo; các sở tư pháp thẩm định gần 5.000 dự thảo và hơn 2.800 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định.
Ý kiến ()