Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng: Hiệu quả từ các giải pháp đồng bộ (Kỳ 3)
- Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh không chỉ nhấn mạnh đến việc chủ động ngăn chặn thông tin tiêu cực, mà đặc biệt coi trọng kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây”, “bảo vệ” là chính.
Kỳ 3: Coi trọng "xây" để làm tốt việc "chống"

Gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", xây là cơ bản, chống phải quyết liệt hiệu quả là một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng được nêu trong Nghị quyết 35. Vận dụng quan điểm này, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục coi trọng việc xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân vào hệ tư tưởng của Đảng, xây dựng "thế trận lòng dân vững mạnh". Đồng thời, nâng cao khả năng tự đề kháng của mỗi cá nhân trước thông tin xấu độc, quyết liệt chống lại các quan điểm sai trái, thù địch.
Xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh
Xây dựng “thế trận lòng dân” là quá trình phát huy lòng yêu nước, ý chí đoàn kết, quyết tâm của các tầng lớp Nhân dân, tạo thành nền tảng chính trị - tinh thần vững chắc. Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, xây dựng “thế trận lòng dân” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh vận dụng một cách linh hoạt trong thực tiễn cuộc sống.
Xác định việc xây dựng "thế trận lòng dân" vững mạnh có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tập trung phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, ngành, mỗi cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ đã có cách làm thiết thực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, chính quyền. Nổi bật như Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có nhiều mô hình thiết thực: tham mưu Tỉnh ủy ban hành thư ngỏ phát động đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới; "Lũy tre biên giới Việt"; "thắp sáng đường tuần tra biên giới"... Qua đó, tạo thuận lợi cho bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới, tạo điều kiện cho người dân thôn bản giáp biên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhấn mạnh: Với chức năng, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý và bảo vệ biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cụ thể hóa bằng các mô hình, cách làm hay, thiết thực, huy động nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân tích cực chung tay tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm xây dựng thành công “thế trận lòng dân” vững mạnh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trước hết Đảng, hệ thống chính trị phải thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự vì Nhân dân phục vụ. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu gương trước quần chúng Nhân dân, tiên phong trong mọi hoạt động, nhiệm vụ được giao, để người dân tin tưởng và thực hiện theo. Cùng đó, các cấp ủy, chính quyền luôn tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt là thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Điển hình như tại Chi bộ thôn Pò Có, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình, để Nhân dân tin tưởng và noi theo, đảng viên trong chi bộ luôn nêu gương, đi đầu thực hiện các phong trào hoạt động. Anh Vi Văn Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn chia sẻ: Để triển khai được các công việc tại thôn, trước hết chúng tôi đều công khai các thông tin, lấy ý kiến người dân, phát huy vai trò nêu gương của đảng viên. Như việc xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã tuyên truyền đến người dân ý nghĩa của chủ trương, tổ chức họp dân lấy ý kiến về mức đóng góp, cách làm, trong đó gia đình tôi tiên phong hiến gần 1.000m2 đất làm đường nhánh vào thôn, đường lên cột mốc. Từ năm 2021 đến nay, chúng tôi đã vận động Nhân dân hiến trên 3.000m2 đất để mở rộng tuyến đường thôn, đường lên cột mốc, góp trên 50 triệu đồng làm đường. Qua đó, góp phần giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.
Thực tế trên cho thấy, từ việc cấp ủy, chính quyền trong tỉnh chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” bằng các việc làm thiết thực đã tạo niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Duy trì đấu tranh thường xuyên
Không khi nào các thế lực thù địch từ bỏ ý định chống phá Đảng, Nhà nước, chúng luôn tìm mọi cơ hội, tranh thủ thời cơ để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, đưa thông tin xấu độc lên không gian mạng, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Do đó, công tác đấu tranh, chống phá hoạt động của thế lực thù địch luôn được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh duy trì thường xuyên và đồng bộ.
Việc “xây” và “chống” được kết hợp hài hòa, thường xuyên, liên tục. Từ chỗ xây dựng được niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, xây dựng sức đề kháng của mỗi cá nhân trước thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch đã tạo thuận lợi cho cấp ủy, chính quyền huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia chống lại các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu, độc của các các thế lực. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân gắn với triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Nhận diện những thời cơ, thách thức trong tình hình mới, các hoạt động chống lại quan điểm sai trái thù địch, thông tin xấu độc không chỉ bằng những biện pháp đấu tranh trực diện, lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng mà còn được các cơ quan trong tỉnh tiếp tục xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung thực hiện ngay từ nội bộ của mỗi đơn vị. Đó là việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lại chủ nghĩa cá nhân, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Đơn cử năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát với 4 cuộc kiểm tra, 8 cuộc giám sát chuyên đề đối với 12 tổ chức đảng, 36 cấp ủy viên các cấp. Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 516 tổ chức đảng, 1.219 đảng viên, trong đó có 765 cấp ủy viên; giám sát chuyên đề 404 tổ chức đảng và 1.084 đảng viên, trong đó có 602 cấp ủy viên các cấp. Uỷ ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 97 tổ chức đảng, 243 đảng viên, trong đó có 170 cấp uỷ viên; kết luận 53 tổ chức đảng, 164 đảng viên vi phạm, phải thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 42 đảng viên… Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm để rút kinh nghiệm và có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa, phát hiện vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; giữ vững kỷ luật của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong 6 năm qua, Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35 gắn với triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân vào Đảng, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, tạo ra nền móng vững chắc, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để làm tốt nhiệm vụ chống các quan điểm sai trái, thù địch, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng. Từ đó, huy động cả hệ thống chính trị, Nhân dân tham gia sâu rộng, hiệu quả vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo 35 tỉnh nhấn mạnh: Năm 2025 là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là thời điểm các thế lực thù địch tiếp tục hoạt động mạnh mẽ, đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ tiếp tục chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35 và Kết luận số 89-KL/TW ngày 25/7/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35; kịp thời định hướng thông tin dư luận trước các sự kiện chính trị trọng đại, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp được dư luận quan tâm. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, định hướng thông tin; chỉ đạo tăng cường đăng tải, chia sẻ, lan toả thông tin tích cực; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xuyên tạc, xấu độc, nhằm phủ xanh thông tin trên không gian mạng.
Ý kiến ()