Bài 3: Hỗ trợ đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động
– Trong 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do dịch COVID-19 thì có Khoản 3, Mục II là chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cụ thể là hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Thời gian qua, Sở LĐTB&XH đã triển khai các văn bản đến các cơ sở dạy nghề, cơ sở GDNN và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Thực tế đã có một số DN phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo nghề, duy trì việc làm cho NLĐ.
Đào tạo kỹ năng nghề cơ khí cắt và hàn cho NLĐ tại Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật
Công ty TNHH Bảo Long (Cụm công nghiệp địa phương số 2, huyện Cao Lộc) là đơn vị sản xuất, kinh doanh (SXKD) máy bơm nước gia dụng và động cơ điện công suất từ 5 KW trở xuống có 230 lao động, trong đó, 210 lao động trực tiếp, 20 lao động gián tiếp. Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SXKD của DN. Để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, DN tất yếu phải thay đổi chiến lược, định hướng, quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ, không loại trừ phương án cắt giảm nhân lực ở các bộ phận sản xuất. Thực hiện Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào Quyết định 316/QĐ-TCGDNN ngày 30/7/2021 của Tổng cục GDNN ban hành Cẩm nang hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ gặp khó khăn do dịch COVID-19, Công ty TNHH Bảo Long đã có đơn đề nghị Sở LĐTB&XH thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động và có kinh phí hỗ trợ đơn vị tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng kỹ năng nghề cho NLĐ tại đơn vị.
Ông Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long cho biết: Trong thời gian qua, công ty đã liên tục đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ mới đưa vào sản xuất, cụ thể như: nâng cấp dàn máy lồng đấu dây stato, dàn máy tiện tự động, dàn máy đóng khuôn tự động… Chính vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ là thực sự cần thiết để họ có thể đáp ứng được tốt nhất yêu cầu công việc.
Theo đó, công ty đề nghị hỗ trợ 70 NLĐ được đào tạo nghề để thực hiện việc thay đổi cơ cấu lại tổ chức phục vụ cho việc SXKD của DN. Chị Hoàng Bích Hạnh, Tổ trưởng Tổ tạo khuôn cho biết: Bộ phận tổ tạo khuôn có 47 NLĐ. Khi công ty đầu tư trang thiết bị mới để công nghệ hoá các khâu sản xuất thì chúng tôi đã được tạo điều kiện để đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, làm chủ được máy móc, đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc của bộ phận, qua đó duy trì được việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định.
Cũng như Công ty TNHH Bảo Long, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian qua, Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật gặp nhiều khó khăn trong SXKD. Ông Nguyễn Đức Linh, Trưởng Phòng sản xuất, Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật cho biết: Để tiếp tục nâng cao tay nghề cho NLĐ, công ty đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo và trình Sở LĐTB&XH phê duyệt. Từ cuối tháng 11/2021, 3 lớp đào tạo nghề cơ khí cắt và hàn với 72 lao động tham gia đã khai giảng và đào tạo lý thuyết song song với thực hành.
Đây là hai DN trên địa bàn tỉnh có số NLĐ đông và mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn nỗ lực duy trì SXKD, ổn định việc làm cho NLĐ. Trong khi đó, rất nhiều DN, hộ kinh doanh khác phải tạm dừng hoạt động hoặc ngừng sản xuất. Qua rà soát, thống kê trên địa bàn tỉnh về các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ tháng 1/2021 đến nay có 121 DN tạm dừng hoạt động và 140 DN giải thể (trong tổng số 3.354 DN hoạt động, sử dụng khoảng 41 nghìn NLĐ); số NLĐ tạm hoãn hợp đồng, dừng tham gia BHXH là 1.070 người/15.360 người tham gia BHXH trong các DN. Ngoài ra còn có 45 DN phải thu hẹp, dừng sản xuất 1 bộ phận với khoảng 1.500 NLĐ bị ảnh hưởng. Số hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch toàn tỉnh có khoảng 850 hộ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Phòng GDNN, Sở LĐTB&XH cho biết: Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 nhằm duy trì việc làm cho NLĐ. Hiện nay, Sở LĐTB&XH đã phê duyệt hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ đối với 2 DN, tổng số tiền hỗ trợ là 426 triệu đồng với 142 NLĐ được hỗ trợ. Cùng với đó, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận, nắm bắt nhu cầu và hướng dẫn 4 DN thực hiện quy trình lập kế hoạch đào tạo, phương án chuyển đổi để đủ điều kiện trình hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ trong thời gian tới. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh về tuyên truyền chính sách này cho các DN trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy rằng, dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khôn lường và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã tạo động lực lớn cho Nhân dân, NLĐ và các DN, giúp họ ổn định cuộc sống, việc làm, vượt qua khó khăn.
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi đóng đủ BHTN cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở GDNN có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/NLĐ/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. |
Ý kiến ()