Bài 2: Chủ động rà soát, thẩm định và hỗ trợ cho lao động tự do
– Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngày 30/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1517 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các huyện, thành phố đang khẩn trương thực hiện rà soát, trình tỉnh xem xét và hỗ trợ chi trả kịp thời đối với các trường hợp lao động tự do đủ điều kiện.
Người lao động tự do trên địa bàn huyện Chi Lăng có việc làm trở lại sau khi địa phương kiểm soát được dịch COVID-19, hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội (ảnh chụp tại xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng đầu tháng 8/2021)
Đợt dịch thứ tư bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 4/2021, để thực hiện hiệu quả công tác chống dịch, người dân tại một số huyện có ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh như: Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Lãng, Tràng Định… đã thực hiện cách ly, phong toả, tạm dừng các hoạt động buôn bán, kinh doanh một số mặt hàng không thiết yếu, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập, nhất là những lao động tự do không có ký kết hợp đồng lao động, làm việc tại những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
Chị Hoàng Bích Hợi, thôn Kéo Phầư, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng cho biết: Tôi là nhân viên phục vụ tại quán phở, ảnh hưởng của dịch nên quán phở nơi tôi làm phải tạm nghỉ, do đó tôi đã mất việc làm 32 ngày. Nay được các cán bộ hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động tự do mất việc làm, tôi thấy được chia sẻ rất nhiều. Tôi cảm ơn chính sách kịp thời của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Lạng Sơn.
Hiện nay, trên cơ sở rà soát bước đầu và các quy định cụ thể, các huyện, thành phố đang khẩn trương rà soát, xem xét trình tỉnh thẩm định việc hỗ trợ cho NLĐ tự do bị ảnh hưởng do dịch. Tính đến ngày 12/8/2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã nhận được tờ trình và danh sách đề nghị hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch của 2 huyện: Văn Lãng, Chi Lăng.
Ông Nông Văn Tài, Trưởng phòng LĐTB&XH – Dân tộc huyện Chi Lăng cho biết: Căn cứ vào Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1517 của UBND tỉnh, Hướng dẫn số 1196/HD-SLĐTBXH ngày 30/7/2021 của Sở LĐTB&XH về trình tự các bước rà soát, lập danh sách hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch trên địa bàn tỉnh, huyện Chi Lăng đã nhanh chóng rà soát những đối tượng bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện, bước đầu các hồ sơ đề nghị chủ yếu thuộc đối tượng làm nghề cắt tóc, gội đầu. Qua rà soát, chúng tôi đã lập danh sách kèm hồ sơ của 35 NLĐ tự do đề nghị UBND huyện trình tỉnh xem xét, thẩm định và ra quyết định phê duyệt hỗ trợ.
Chị Đào Thị Tâm, thôn Nà Sèn, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng cho biết: Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn nên quán cắt tóc, gội đầu của tôi tạm dừng hoạt động 74 ngày, không có việc làm cũng khiến đời sống bị ảnh hưởng nhiều do không có thu nhập. Tôi và nhiều lao động khác mong tỉnh xem xét và có hỗ trợ kịp thời, giải quyết khó khăn cho NLĐ.
Với nguyên tắc hỗ trợ bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, ngay sau khi tiếp nhận được danh sách, tờ trình của các huyện, tổ thẩm định xem xét, phê duyệt của tỉnh gồm một số sở, ngành, đoàn thể liên quan như: LĐTB&XH, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh… đã tích cực, khẩn trương xem xét, thẩm định và trình tỉnh phê duyệt hỗ trợ đợt 1 cho lao động tự do. Theo đó, ngày 12/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1603/QĐ-UBND về phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí cho lao động tự do trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch với tổng số lao động được hỗ trợ đợt 1 gồm 47 người, tổng số kinh phí 70,5 triệu đồng. Trong đó, huyện Văn Lãng có 13 lao động, huyện Chi Lăng có 34 lao động được hỗ trợ.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp, các huyện, thành phố đã và đang tiếp tục thực hiện rà soát, lập danh sách số lao động bị ảnh hưởng đủ điều kiện để trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các đợt tiếp theo. Trong đó, huyện Hữu Lũng là đơn vị vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tỉnh do có nhiều trường hợp mắc COVID-19 và phải thực hiện nhiều chính sách giãn cách, phong toả. Theo thống kê của Phòng LĐTB&XH – Dân tộc huyện thì qua rà soát bước đầu, huyện đã lập trên 400 hồ sơ lao động tự do bị ảnh hưởng, đề nghị UBND huyện trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ vào đợt 2 tới đây.
Có thể thấy rằng, cùng với thực hiện các chính sách khác trong nhóm 12 chính sách theo Nghị quyết 68 thì tỉnh Lạng Sơn đã rất chủ động trong nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho lao động tự do thuộc ngân sách tỉnh hỗ trợ chi trả. Sự chủ động này đã góp phần giúp các doanh nghiệp, NLĐ trên địa bàn kịp thời được chia sẻ khó khăn, nhất là số lao động tự do không có ký kết hợp đồng lao động từng bước ổn định cuộc sống, tiếp tục đồng thuận thực hiện hiệu quả các biện pháp chống dịch.
“Theo số liệu tổng hợp của phòng chuyên môn chúng tôi, tính đến chiều ngày 12/8/2021, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ chi trả cho các đối tượng với tổng kinh phí trên 3,6 tỷ đồng. Trong đó, có 472 người lao động bị ngừng việc với kinh phí 636 triệu đồng; 28 lao động nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 30 ngày, 129 người lao động nghỉ việc từ 30 ngày trở lên với kinh phí 570,53 triệu đồng; 687 hộ kinh doanh với kinh phí trên 2 tỷ đồng; 222 người lớn, trẻ em bị cách ly do dịch với kinh phí trên 198 triệu đồng; 24 hướng dẫn viên du lịch với số kinh phí trên 89 triệu đồng”. Bà Hoàng Thị Hải, Trưởng phòng Lao động Việc làm – BHXH, Sở LĐTB&XH tỉnh |
Theo Quyết định số 1517 ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh, người lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: thứ nhất là bị mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; thứ hai là thường xuyên làm việc tạo ra thu nhập chính từ các công việc sau: Bán hàng rong, bán hàng nhỏ lẻ trên các tuyến đường, phố, tại gia đình; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm); bốc vác thủ công, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; thu mua phế liệu; thợ, phụ xây dựng; thợ cơ khí, thợ mộc, điện, điện dân dụng, điện lạnh; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán rượu, bia, quầy bar, quán cà phê, giải khát); cơ sở làm đẹp, chăm sóc sức khỏe (cắt tóc, gội đầu, chăm sóc da, sơn sửa móng tay, gym, massage, xoa bóp y học, châm cứu); cơ sở vui chơi giải trí, điểm truy cập internet, trò chơi điện tử. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn quỹ khác của tỉnh. |
Ý kiến ()