Huyện vùng cao Bắc Yên tỉnh Sơn La nằm bên sườn phía tây nam của dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có đỉnh Phú Sa Phìn cao 2.879 m, được cho là "mái nhà" của Tây Bắc. Cán bộ xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) trao đổi kinh nghiệm thâm canh cây chè đặc sản. Tuy nhiên nơi đây lại được thiên nhiên ưu đãi nhiều mỏ quặng quý, như đồng, vàng, ni-ken; có nhiều sản vật đặc sắc là chè Tà Xùa, táo sơn tra, cá hồi, v.v. Nơi đây hơn 50 năm về trước, nhà văn Tô Hoài đã viết nên câu chuyện "Vợ chồng A Phủ". Trong công cuộc đổi mới hôm nay, quê hương cách mạng ấy đang từng ngày đổi thay...Trong công việc bận rộn chuẩn bị cho cuộc họp cán bộ chủ chốt toàn huyện diễn ra vào ngày hôm sau, Bí thư Huyện ủy Bắc Yên Đặng Hùng, vẫn dành thời gian cho tôi tìm hiểu về huyện nhà. Với 32 năm công tác, trưởng thành từ cán bộ cơ sở, rồi thành người đứng đầu huyện vùng cao Bắc Yên, anh có nhiều kỷ niệm trăn trở và tâm đắc với...
Huyện vùng cao Bắc Yên tỉnh Sơn La nằm bên sườn phía tây nam của dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có đỉnh Phú Sa Phìn cao 2.879 m, được cho là “mái nhà” của Tây Bắc.
Cán bộ xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) trao đổi kinh nghiệm thâm canh cây chè đặc sản.
Tuy nhiên nơi đây lại được thiên nhiên ưu đãi nhiều mỏ quặng quý, như đồng, vàng, ni-ken; có nhiều sản vật đặc sắc là chè Tà Xùa, táo sơn tra, cá hồi, v.v. Nơi đây hơn 50 năm về trước, nhà văn Tô Hoài đã viết nên câu chuyện “Vợ chồng A Phủ”. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, quê hương cách mạng ấy đang từng ngày đổi thay…
Trong công việc bận rộn chuẩn bị cho cuộc họp cán bộ chủ chốt toàn huyện diễn ra vào ngày hôm sau, Bí thư Huyện ủy Bắc Yên Đặng Hùng, vẫn dành thời gian cho tôi tìm hiểu về huyện nhà. Với 32 năm công tác, trưởng thành từ cán bộ cơ sở, rồi thành người đứng đầu huyện vùng cao Bắc Yên, anh có nhiều kỷ niệm trăn trở và tâm đắc với mảnh đất này. Mở đầu, anh thông tin ngay: “Hôm qua tôi vừa nhìn thấy nhà văn Tô Hoài trên VTV1. Ông vẫn khỏe, trả lời phỏng vấn phong độ và hóm hỉnh…”. Cứ thế, chuyện chung quanh vợ chồng A Phủ, chuyện về một thời chống Pháp, rồi làm ăn phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới cứ hiện ra, cuốn hút…
Bắc Yên là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, có diện tích tự nhiên hơn 1.100 km2, dân số khoảng 58.000 người, gồm bảy dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Mông đông nhất, chiếm 42%. Địa hình huyện Bắc Yên hầu hết toàn đồi núi cao, 70% diện tích có độ dốc từ 45 độ trở lên. Hình dung về điều này, người ta lấy phép so sánh rằng, tìm mặt bằng cả khu vực huyện lỵ cũng không có chỗ nào đủ rộng để đặt một sân bóng đá. Thế nên Bắc Yên được chia thành ba vùng rõ rệt, gồm: Các xã vùng dọc quốc lộ 37, vùng dọc sông Đà và vùng cao. Trong 16 xã toàn huyện, có xã vùng cao chỉ có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, gồm: Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng, đều nằm ở độ cao từ 1.200 m đến 1.800 m so mực nước biển. Đường lên vùng cao Bắc Yên được ví như đường lên trời, xưa kia không ai tin ô-tô có thể lên được. Thế nhưng, hơn 50 km đường lên các xã vùng cao bây giờ đã được trải nhựa, đến tận xã cuối cùng Hang Chú. Còn đường từ Bắc Yên sang huyện Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái vừa thông xe kỹ thuật tháng 8-2011.
Chính địa bàn hiểm trở, xưa kia chỉ có đường mòn, vách núi cho nên trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là căn cứ hoạt động cách mạng thuộc khu 99. Vào cuối năm 1952 sau khi giải phóng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài đã lên đây và viết truyện: “Vợ chồng A Phủ” từ một câu chuyện có thật về chàng thanh niên dân tộc Mông có tên là Phử và người yêu là Mỷ thoát khỏi sự đè nén cùng cực, áp bức bóc lột của Thống lý, giặc Pháp, để đi theo cách mạng. Năm 1961, câu chuyện này đã được dựng thành phim, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã phổ nhạc bài hát “Bài ca trên núi” nổi tiếng, say đắm lòng người. Thời gian thấm thoắt mới đó đã 50 năm. Hiện nay ở bản Hang Chú vẫn còn dấu tích đồn Pháp và hòn đá Mùa Chống Lầu. Ở bản Hồng Ngài, năm ngoái chương trình 30a giúp đồng bào Mông có nguồn nước lấy từ hang A Phủ về khu vực trung tâm xã và 50 hộ gia đình có nước sinh hoạt. Đã từ lâu rồi, ở huyện vùng cao Bắc Yên này, người dân ai cũng tự hào, trân trọng nhớ về dấu tích lịch sử câu chuyện vợ chồng A Phủ. Theo ông Đinh Tôn, một lão thành cách mạng năm nay đã 82 tuổi (trong truyện Vợ chồng A Phủ, ông chính là nhân vật cán bộ cách mạng A Châu) thì truyện Vợ chồng A Phủ là hình ảnh sinh động về tấm lòng của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Yên luôn tin tưởng, đi theo cách mạng. Truyền thống cách mạng kiên cường, đấu tranh bất khuất ở khu căn cứ 99 đã đi vào lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Yên. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập huyện, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên.
Tổng kết 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Yên lần thứ XIV vừa qua đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý. Nhưng bài học quan trọng nhất vẫn là tập trung sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết các dân tộc, luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, huyện Bắc Yên đã đề ra 12 chương trình hành động cụ thể với những ý tưởng mới, cụ thể, sát thực tiễn. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ổn định đời sống nhân dân các vùng đặc biệt khó khăn, huyện Bắc Yên đã tiến hành rà soát lại các mô hình phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng thế mạnh, tính chất, trình độ từng vùng, từng bản để xây dựng chương trình hành động. Huyện đã cụ thể hóa các chương trình hành động thành các đề án, trong đó đề án phát triển kinh tế hộ gia đình ở vùng cao đến năm 2015 theo mô hình: “Mỗi gia đình có một ha ruộng nước, hai ha táo sơn tra, năm con trâu, bò trở lên”. Đây là mô hình kinh tế bền vững, hội tụ cả kinh nghiệm trước đây và mục tiêu phát triển cây con hàng hóa lâu dài, gắn kinh tế với bảo vệ môi trường. Cơ sở để hiện thực hóa đề án là hiện nay đã có rất nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế hộ, làm giàu bền vững, như: hộ ông Vàng A Thái, Trưởng ban văn hóa xã Xím Vàng, hộ ông Hạng A Chu và Giàng Khua Nênh, ở bản Hang Chú… Nghị quyết số 30a/NQ-CP của Chính phủ và các chương trình, dự án lồng ghép của tỉnh đang tạo ra tiềm lực cho vùng cao Bắc Yên khởi sắc. Nếu trước kia còn nhiều hộ trồng cây thuốc phiện, nhiều hộ đói, thì nay không còn cây thuốc phiện, ruộng nước khai hoang ngày một nhiều, có gia đình thóc để đến vụ thứ ba chưa dùng đến. Cả năm xã vùng cao thời trước giải phóng chỉ có chưa đầy 130 ha ruộng, thì nay có 658 ha, phấn đấu đến năm 2015 sẽ khai hoang đạt 1.914 ha, bảo đảm mỗi hộ có một ha ruộng, bình quân đầu người đạt 530 kg thóc/người/năm. Diện tích cây táo sơn tra hiện nay gần 2.000 ha, đến năm 2015 đạt 3.800 ha. Đối với vùng thấp huyện đề ra mô hình: “Mỗi gia đình trồng một ha cây bông vải, khoanh nuôi bảo vệ ba ha rừng, nuôi mười con trâu, bò trở lên”. Ngoài ra, huyện còn xây dựng một số đề án riêng cho từng xã đặc biệt khó khăn, với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Huyện Bắc Yên phấn đấu đến năm 2015 có năm xã đạt tiêu chí nông thôn mới là: Phiêng Côn, Phiêng Ban, Mường Khoa, Xím Vàng, Pắc Ngà. Cơ bản hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tại 111 bản có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Tâm sự về điều này, đồng chí Đặng Hùng thổ lộ: Đáng mừng là những năm qua đồng bào các dân tộc Bắc Yên có sự chuyển biến nhận thức rõ rệt, trình độ dân trí được nâng lên, mà khởi nguồn là đẩy mạnh phát triển giáo dục. Đây là vấn đề mấu chốt để thực hiện vấn đề tam nông ở vùng cao Bắc Yên.
Xã Hồng Ngài có tám bản, 642 hộ, trong đó dân tộc Mông chiếm 80%. Năm 1964 khi thành lập huyện Bắc Yên, Hồng Ngài thuộc xã Phiêng Ban. Năm 1979 xã Hồng Ngài mới được thành lập. Tuy chỉ cách trung tâm huyện lỵ tám km, nhưng đây là địa bàn còn rất nhiều khó khăn. Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, quê hương Hồng Ngài đã có nhiều thay đổi. Làm việc với các đồng chí lãnh đạo xã, được biết kỳ họp thứ hai HĐND xã tháng 7 vừa qua đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, tiến hành quy hoạch lại khu trung tâm xã, khởi công xây dựng trụ sở xã, nhà văn hóa xã. Con đường từ huyện vào đang được cải tạo mặt bằng, cuối năm nay sẽ được trải nhựa, đồng thời hai bản còn lại cuối năm nay sẽ có điện lưới quốc gia. Thăm Trường THCS Hồng Ngài, ngôi trường 10 phòng học, được đưa vào sử dụng tháng 9-2009 mới thấy tinh thần hiếu học, phấn đấu vượt khó của con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm nay trường đón 219 học sinh thì có tới 190 em phải ở lại trường theo mô hình bản trú dân nuôi. Các thầy, cô giáo phải nhường hai phòng công vụ và một phòng học để các em đủ chỗ ở. Còn ở trường bán trú tiểu học Hồng Ngài, thầy Phó Hiệu trưởng Mùa A Hồ cho biết: Đây là năm đầu huyện cho áp dụng mô hình bán trú, 611 học sinh sẽ được đầu tư thêm cơ sở vật chất, phòng nghỉ, bếp ăn, tiền hỗ trợ sinh hoạt bằng 50% tiêu chuẩn của các cháu đang học ở trường dân tộc nội trú huyện. Chỉ vậy thôi cũng mừng lắm rồi, bởi đây sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tinh thần học cái chữ, học làm người, xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Từ trung tâm xã Hồng Ngài, nắng thu vàng nhẹ nhẹ trải trên những sườn non, xa xa dưới tầng mây trắng có thể nhìn thấy phố huyện Bắc Yên hiện ra dưới chân đỉnh Tà Xùa. Bắc Yên hôm nay được tô điểm thêm bởi đường dây tải điện 500 KV Sơn La – Hiệp Hòa sừng sững vượt đèo Chẹn, đèo Ban, vượt sang bên kia sông Đà. Trên quê hương của vợ chồng A Phủ hôm nay đang từng ngày đổi mới, trong gian khó vẫn tràn đầy khát vọng vươn lên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()