Bắc Xa: Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả
– Những năm gần đây, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, người dân xã Bắc Xa, huyện Đình Lập đã phát triển thành công nhiều mô hình sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp đến thôn Tẩn Lầu, xã Bắc Xa thăm mô hình nuôi cầy hương của anh Chu Văn Yên – người đầu tiên trong thôn phát triển mô hình này. Anh Yên cho biết: Nhận thấy cầy hương thương phẩm trên thị trường có giá thành cao, từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/kg, các nhà hàng trên địa bàn huyện có nhu cầu nhập nguyên liệu nên tôi đã mạnh dạn triển khai mô hình này. Tháng 9/2020, tôi được Nhà nước hỗ trợ 14 con cầy hương giống để phát triển mô hình, sau gần 7 tháng chăm sóc, đến nay, cầy hương phát triển tốt, đang cho sinh sản. Sau sinh 2 tháng, cầy hương con nặng 600 đến 700 gram có giá bán từ 2 đến 2,5 triệu/con.
Người dân thôn Tẩn Lầu, xã Bắc Xa chăm sóc cầy hương
Bước đầu thấy mô hình có nhiều triển vọng, có đầu ra nên anh Yên quyết định xây dựng thêm 90 chuồng nuôi để tăng đàn lên 100 con cái và 40 con đực. Hiện con giống được anh Yên đặt mua tại Bắc Giang, cuối tháng 4/2021, sau khi hoàn thiện chuồng nuôi, số con giống trên sẽ được vận chuyển về chăm sóc.
Được biết, năm 2020, huyện Đình Lập đã triển khai hỗ trợ 8 mô hình phát triển sản xuất từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới tại 9 thôn biên giới của xã Bắc Xa. Qua đó, tập trung hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật để phát triển các mô hình như: nuôi chim bồ câu Pháp tại thôn Chè Mùng; nuôi cầy hương tại thôn Tẩn Lầu; trồng cây trám đen ghép tại thôn Bản Văn và Hạnh Phúc,… Các mô hình được triển khai với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 900 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của 79 hộ tham gia.
Là một trong số các hộ được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất, anh Hoàng Văn Hợp, thôn Chè Mùng, xã Bắc Xa cho biết: Tháng 11/2020, gia đình tôi được hỗ trợ 200 cặp giống chim bồ câu Pháp để phát triển mô hình. Đồng thời, tôi được xã tạo điều kiện tham gia tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cách thức xây dựng chuồng trại,… Với mô hình này, mỗi tháng gia đình tôi xuất bán 30 – 50 cặp bồ câu với giá 200 nghìn đồng/cặp, nhờ đó gia đình có thu nhập ổn định và có vốn tích lũy để mở rộng quy mô của mô hình.
Ông Tô Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Bắc Xa cho biết: Để người dân có kỹ thuật nuôi, trồng hiệu quả, đối với mỗi mô hình chúng tôi đều tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các hộ gia đình gồm cả tập huấn định kỳ và tập huấn chuyên đề. Hiện nay, đối với các mô hình phát triển tốt, bước đầu mang lại hiệu quả, chúng tôi hướng dẫn bà con mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng. Cùng với đó, xã vận động thành lập và phát triển các tổ hợp tác, tăng cường kết nối giữa người dân với các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Để tạo động lực và thúc đẩy người dân phát triển các mô hình có hiệu quả, từ năm 2020 đến nay, các cấp, ngành của huyện, xã đã chú trọng tổ chức được 4 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, trồng cho các hộ tham gia các mô hình kinh tế. Ngoài các mô hình đã được hỗ trợ, người dân trên địa bàn xã đang tiếp tục thử nghiệm một số mô hình khác như: trồng Ba kích tím, nho Cự phong,… Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân từ dưới 10 triệu đồng/người/năm (năm 2015) tăng lên hơn 36 triệu đồng/người/năm (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo từ trên 10% (năm 2019) giảm xuống còn 5,6% (năm 2020).
Ý kiến ()