Bắc Xa giảm nghèo từ phát triển kinh tế đồi rừng
(LSO) – Bắc Xa là xã vùng 3, biên giới của huyện Đình Lập có 14 thôn, bản với 335 hộ, trên 1.500 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chỉ.
Xã Bắc Xa hiện có hơn 11 nghìn héc ta đất lâm nghiệp, chiếm trên 70% diện tích đất tự nhiên của xã. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi mũi nhọn, với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Để đoạn biên giới của xã có dải rừng thông xanh, kéo dài dọc tuyến là cả một quá trình gian nan, vất vả của cấp ủy, chính quyền và bộ đội biên phòng (BĐBP). Trước đây, khi BĐBP phối hợp triển khai dự án trồng rừng 661, dự án trồng cây phân tán…, bà con không mặn mà với nhận thức trồng rừng đến bao giờ mới cho thu hoạch (mặc dù các dự án đều có tiền hỗ trợ trồng cây và chăm sóc, bảo vệ).
Đồng chí Vi Thị Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Xa cho biết: Để nhân dân vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền trong công tác xây dựng và phát triển kinh tế đồi rừng, Đảng ủy xã phối hợp với Đảng ủy Đồn Biên phòng Bắc Xa bàn bạc, thống nhất từng bước đi vững chắc và bắt đầu từ công tác tuyên truyền, kết hợp giữa nói và làm, nhất là cán bộ, đảng viên từ thôn đến xã gương mẫu nhận đất và trồng rừng làm điểm. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, bà con đã nhận thấy phát triển rừng là hướng đi đúng để phát triển kinh tế bền vững, từ đó, nhân dân trong xã hăng hái tham gia các chương trình, dự án trồng rừng.
Nhân dân xã Bắc Xa khai thác nhựa thông
Hiện nay, tổng diện tích trồng rừng trên địa bàn xã đạt trên 11 nghìn héc ta; trong đó, diện tích rừng thông cho thu hoạch nhựa là 4 nghìn héc ta. Kết quả thu từ phát triển kinh tế đồi rừng ngày càng rõ nét, nếu như năm 2009, thu từ sản phẩm nhựa thông mới đạt 85 tấn thì đến năm 2018 tăng lên 1.200 tấn; thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 4,2 triệu đồng/năm thì năm 2018 đã tăng lên trên 30 triệu đồng/người/năm. Ông Kỳ Dùng Phú, thôn Bản Mạ, xã Bắc Xa cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 7 héc ta rừng thông đang cho khai thác nhựa, từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng từ rừng thông.
Ngoài xác định thông là cây chủ lực, UBND xã đã khảo sát và thấy đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp trồng cây dược liệu sa nhân dưới tán rừng tự nhiên. Cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bắc Xa, thống nhất lựa chọn một số hộ gia đình tiêu biểu trong công tác chăm sóc rừng, có ý thức bảo vệ và phát triển rừng gương mẫu đi đầu, làm trước để cho các hộ dân làm theo. Kết quả, tính đến năm 2019, trên địa bàn xã đã trồng được khoảng 75 héc ta cây sa nhân (trong đó trồng mới năm 2018 là gần 13 héc ta), thu hoạch quả sa nhân năm 2018 đạt 9,5 tấn.
Không chỉ đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, phát triển kinh tế và các sản phẩm từ rừng, cấp ủy, chính quyền xã còn khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã đầu tư vào các dự án trên địa bàn, nhất là hợp tác sản xuất, chế biến gỗ, chủ trương này đã mang lại hiệu quả không nhỏ trong phát triển kinh tế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập. Anh Chu Văn Tý ở thôn Khuổi Sâu, xã Bắc Xa cho biết: Nhận thấy trên địa bàn xã có điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu phong phú, cuối năm 2018, gia đình tôi đầu tư máy móc, thiết bị mở xưởng chế biến gỗ thông, hiện nay tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, cuộc sống của nhân dân xã Bắc Xa ngày càng đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm. Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 72,26%, đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 11,04%. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Bắc Xa tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển mạng lưới chế biến lâm sản, nhân rộng những mô hình có hiệu quả. Đồng thời, để kinh tế đồi rừng phát triển bền vững, xã khuyến khích người dân đưa những giống cây có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.
Ý kiến ()