Bắc Sơn xây dựng chính quyền số phục vụ người dân và doanh nghiệp
– Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước để xây dựng chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số vào năm 2025 là nhiệm vụ quan trọng được UBND huyện Bắc Sơn triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Mục tiêu cao nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện Kế hoạch số 226 ngày 18/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Bắc Sơn đã xây dựng các kế hoạch nhằm cụ thể hoá cho từng lĩnh vực phải thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025. Trong đó có Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 6/10/2021 về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022 của huyện nhằm thống nhất lãnh đạo chỉ đạo thực hiện phát triển chính quyền số từ các cơ quan cấp huyện đến cơ sở.
Một buổi tập huấn kỹ năng chuyển đổi số cho đoàn viên thanh niên do Huyện đoàn Bắc Sơn tổ chức
Theo đó, UBND huyện đã tổ chức hội nghị cấp huyện để quán triệt triển khai văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban và UBND các xã nghiên cứu văn bản, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai bám sát yêu cầu lộ trình của UBND huyện đề ra.
Ông Vũ Quang Hiển, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: Việc ứng dụng CNTT phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND huyện đã được UBND huyện quan tâm đầu tư, tuy nhiên, chưa được đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã. Do đó, UBND huyện đã thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT phạm vi toàn huyện và đề xuất đầu tư bổ sung nhằm hiện đại hoá hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như các nền tảng công nghệ ứng dụng và cung cấp dịch vụ đồng bộ từ huyện đến cơ sở.
Theo kết quả rà soát, hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cấp xã được trang bị máy vi tính với tổng số 509 bộ, trong đó, số máy vi tính có kết nối internet là 480 bộ. Đối với các hệ thống nền tảng UBND huyện và các xã đang ứng dụng khai thác gồm: cổng thông tin điện tử UBND huyện; thư điện tử công vụ; ứng dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử liên thông; ứng dụng chương trình văn phòng điện tử eOffice; hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; áp dụng chữ ký số của các đơn vị.
Theo đó, 100% hệ thống văn bản đi và đến của huyện đã được xử lý trên môi trường mạng. Các tổ chức, cá nhân cấp huyện và cấp xã đã được cấp 109 chữ ký số và toàn huyện đã được cấp 536 thư điện tử công vụ; 21 điểm cầu truyền hình trực tuyến (3 điểm cầu cấp huyện và 18 điểm cầu cấp xã). Ứng dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3, 4 có 232 dịch vụ, trong đó mức độ 3 là 32 và mức độ 4 là 123.
Trên cơ sở kết quả rà soát hiện trạng nền tảng hạ tầng kỹ thuật CNTT và các ứng dụng hiện có, trong năm 2022, UBND huyện phấn đấu phải hoàn thành 8 chỉ tiêu đối với ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước và 5 chỉ tiêu ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cùng đó, triển khai phối hợp với các sở, ngành thực hiện đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật mạng như: xây dựng trục liên thông tích hợp dùng chung của tỉnh; đầu tư, nâng cấp mạng diện rộng (WAN); gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, ứng dụng CNTT kết hợp với hệ thống chất lượng ISO… Việc phối hợp triển khai hệ thống báo cáo trực tuyến; hệ thống theo dõi sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp; số hóa tài liệu, công tác thi đua khen thưởng, quản lý hộ tịch… đều đã được triển khai khẩn trương có hiệu quả ngay từ đầu năm 2022.
Đến cuối tháng 6/2022, các chỉ tiêu nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số đã đạt được kết quả tích cực. Huyện đã hoàn thành 5/8 chỉ tiêu về ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước; 4/5 chỉ tiêu về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể như: 100% cán bộ, đơn vị sử dụng chữ ký số; phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 30 – 50%; 95 – 100% nghiệp vụ chuyên môn, chuyên ngành của các cơ quan Nhà nước được ứng dụng CNTT như: quản lý giáo dục, y tế…
Đáng chú ý, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến của huyện đạt 48% (kế hoạch của tỉnh trong năm 2022 là 50%). Cổng thông tin điện tử cấp huyện thường xuyên cập nhật các văn bản chính sách mới và 100% các xã đã xây dựng xong cổng thông tin điện tử cấp xã đáp ứng tốt nhu cầu tra cứu thông tin của người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã tiếp nhận giải quyết 410 hồ sơ của người dân, doanh nghiệp qua dịch vụ công trực tuyến đạt 60% tổng số hồ sơ (mục tiêu của tỉnh đến hết năm 2022 là xử lý, giải quyết 70% hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp qua dịch vụ công trực tuyến)…
Ông Lương Tiến Cường, người dân thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Trong tháng 5/2022, gia đình phải thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, khi gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, tôi đã được cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình chu đáo, nhờ đó tôi đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để gia đình thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Để vận hành hệ thống các nền tảng hạ tầng kỹ thuật CNTT, UBND huyện đang đẩy mạnh đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp về CNTT cũng như bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thiện đầu tư trang thiết bị phát triển hạ tầng số, nền tảng số để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số của huyện trong năm 2022 và những năm tới. Nhất là thiết kế các phần mềm, các ứng dụng phù hợp với cấu hình của mọi điện thoại thông minh, đơn giản hoá các bước cài đặt và thuận tiện cho sử dụng của người dân và doanh nghiệp.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị trong xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số của huyện Bắc Sơn trong thời gian qua, tin tưởng nhiệm vụ hiện đại hoá nền hành chính từ cấp huyện tới cấp xã của huyện Bắc Sơn sẽ sớm hoàn thành. Qua đó, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện phát triển bền vững.
Ông Hoàng Quang Phiệt, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn
“Từ ngày 1/1/2022, Trang Thông tin điện tử xã Chiến Thắng chính thức đưa vào vận hành thử nghiệm. UBND xã đã cử cán bộ chuyên môn quản trị và phát triển trang thông tin nhằm cung cấp, phản ánh hoạt động của xã đến với công chúng cũng như cập nhật các văn bản, chính sách của huyện, của xã phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo đó, hằng tuần, UBND đưa 2 hoặc 3 tin lên trang và liên kết các trang web của huyện, của tỉnh nhằm đa dạng hoá thông tin trên Trang Thông tin điện tử của xã. Thời gian tới, UBND xã sẽ tập trung phối hợp với cơ quan chuyên môn của UBND huyện để hoàn thiện nền tảng mạng, thường xuyên bổ sung thông tin để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp”.
Bà Lèo Thị Lạng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Bắc Sơn
“Từ năm 2021 đến nay, việc áp dụng ứng dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến cũng như cải tạo, nâng cấp cổng thông tin điện tử (TTĐT) của huyện Bắc Sơn để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp, cung cấp, cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách mới của huyện được thực hiện hiệu quả. Cộng đồng doanh nghiệp của huyện đánh giá cao sự nỗ lực của huyện trong xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thông qua cổng TTĐT, nhiều cơ chế, chính sách mới của trung ương, của tỉnh và của huyện đã được công khai để doanh nghiệp cập nhật và từ đó tìm kiếm được những cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh. Qua khảo sát của Hội Doanh nghiệp huyện về sự hài lòng của chính quyền trong việc giải quyết TTHC từ cấp huyện tới cấp xã của huyện Bắc Sơn thì có tới 80% số doanh nghiệp được hỏi hài lòng với kết quả giải quyết TTHC”.
Ý kiến ()