Bắc Sơn: Triển vọng kinh tế từ cây gai xanh
(LSO) – Đầu năm 2020, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thế Hưng (thị trấn Bắc Sơn) liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước (tỉnh Thanh Hóa) và các hộ dân tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bắc Sơn đưa cây gai xanh vào trồng thử nghiệm. Sau một năm triển khai, đến nay, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa, ngô. Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tăng thu nhập cho người dân.
Đến thị trấn Bắc Sơn vào những ngày đầu tháng 3/2021, chúng tôi ấn tượng với những thửa ruộng trồng cây gai mướt một màu xanh. Trên cánh đồng, người dân đang tất bật chăm sóc những cây gai xanh giống chuẩn bị xuất bán cho công ty.
Người dân thị trấn Bắc Sơn chăm sóc vườn ươm giống cây gai xanh
Anh Dương Tiến Thành, một trong những người tham gia mô hình trồng cây gai xanh tại thôn Tiến Hợp 2, thị trấn Bắc Sơn cho biết: Đầu năm 2020, gia đình tôi chuyển đổi 6 sào đất lúa sang trồng thử nghiệm cây gai xanh. Tham gia mô hình, tôi được Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước hỗ trợ giống, phân bón bằng hình thức trả chậm. Sau 4 tháng trồng, cây gai xanh cho thu hoạch, trong năm 2020, gia đình tôi đã được thu 5 lứa, năng suất đạt từ 35 đến 40 kg vỏ khô/sào. Tính ra, thu lãi 6 triệu đồng/sào, đem lại thu nhập 36 triệu đồng và được công ty thu mua toàn bộ sản phẩm.
Không chỉ tại thị trấn Bắc Sơn, người dân tại các xã tham gia mô hình đều phấn khởi, hiệu quả kinh tế đem lại khá cao. Theo đó, mô hình trồng cây gai xanh được triển khai thử nghiệm từ đầu năm 2020 với quy mô 2 ha tại xã Vũ Lăng và thị trấn Bắc Sơn theo chương trình liên kết sản xuất vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thế Hưng và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước. Qua trồng và chăm sóc cho thấy: cây phù hợp với điều kiện tự nhiên ở huyện Bắc Sơn. Khi thu hoạch, năng suất đạt 30 đến 40 kg vỏ khô/sào, giá bán 40 nghìn đồng/kg.
Được biết, cây gai xanh rất có giá trị kinh tế, thân và vỏ dùng sản xuất sợi dệt vải chất lượng cao; lá sử dụng trong chế biến bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu; thân cây gai được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy. Đặc biệt, cây gai xanh dễ chăm sóc, có thể trồng trên đất dốc 10%, khả năng chịu hạn tốt. Sau 4 tháng trồng cho thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại, sau 60 ngày cho thu hoạch lứa tiếp theo. Gai xanh trồng 1 lần nhưng có thể thu hoạch trong vòng 10 năm, mỗi năm thu từ 4 hoặc 5 lứa.
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình, hiện nay, diện tích trồng cây gai xanh toàn huyện Bắc Sơn đã phát triển trên 10 ha với gần 30 hộ tham gia tại các xã: Đồng Ý, Tân Hương, Tân Lập, Trấn Yên và thị trấn Bắc Sơn. Khi tham gia mô hình, bà con được công ty ứng trước giống cây, phân bón, và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm… Bên cạnh đó, công ty còn liên kết với các hộ tại thị trấn Bắc Sơn thực hiện ươm giống cây gai xanh với diện tích hơn 3 mẫu.
Ông Bế Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thế Hưng cho biết: Với hiệu quả kinh tế như vậy, năm 2021, công ty có kế hoạch liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện trồng khoảng 50 ha cây gai xanh. Qua đó, giúp tạo việc làm cho lao động tại địa phương cũng như tăng thu nhập cho bà con.
“Đây là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiệu quả bước đầu của mô hình đã mở ra triển vọng về hướng sản xuất mới cho bà con. Tuy nhiên, huyện không khuyến khích bà con trồng ồ ạt mà phải có sự liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất bền vững”. Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn |
Ý kiến ()