Bắc Sơn trên đường đổi mới
LSO-Mùa thu tháng Chín về Bắc Sơn là trở về nơi mạch nguồn truyền thống cách mạng của chiến khu xưa. Trải qua 77 năm xây dựng và phát triển, Bắc Sơn hôm nay đã và đang đạt được nhiều thành tựu trên bước đường đổi mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (hàng đầu ở giữa) thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS huyện Bắc Sơn |
Ngày 27/9/1940, hàng nghìn đồng bào Tày, Nùng, Dao, Kinh… trên địa bàn huyện theo các chiến sỹ cách mạng tiến đánh đồn Mỏ Nhài. Sau một thời gian tiến công, cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Nhân dân tin tưởng, phấn khởi reo hò vang dội, tổ chức mít tinh. Quân khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến.
Đã 77 năm trôi qua nhưng những địa danh lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9/1940 như: Vũ Lăng, đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài, Mỏ Tát, Khuổi Nọi… vẫn còn in dấu tích một thời. Hiện nay, Bắc Sơn có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 12 xã được công nhận xã An toàn khu và 14 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với đó, Bảo tàng Bắc Sơn còn lưu giữ hơn 345 hiện vật của các đồng chí lãnh đạo gắn liền với cuộc khởi nghĩa. Hằng năm, Bảo tàng đón hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử. Anh Nguyễn Văn Phương, du khách từ Hà Nội lần đầu đến tham quan Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn chia sẻ: Nơi đây không chỉ lưu giữ, bảo quản những tư liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa của mảnh đất giàu truyền thống mà còn trở thành nơi nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nhớ về một thời hào hùng của tuổi trẻ, ông Dương Thần Lim, lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, trú tại thôn Đông Đằng I, xã Bắc Sơn cho biết: Mỗi lần nhắc đến cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tôi như trẻ lại và không thể quên những năm tháng hào hùng ấy. Thật vui mừng khi thế hệ con cháu Bắc Sơn hôm nay luôn dốc sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nói về những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, đồng chí Tô Bắc Thái, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn phấn khởi cho biết: Bắc Sơn là huyện miền núi, vùng cao, phần lớn bà con sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế nên đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 28 triệu đồng/người/năm; đường giao thông liên xã được bê tông đạt 80%; 97% số thôn bản đã có đường ô tô đến trung tâm thôn; số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt hơn 98%, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp; 85% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ, 8/20 trạm y tế cấp xã đạt chuẩn quốc gia. Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa Bắc Sơn trở thành huyện phát triển vào loại khá của tỉnh, nâng mức thu nhập bình quân lên 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 55%, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm 2- 3%…
Kỷ niệm 77 năm cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 – 27/9/2017), các hoạt động tuyên truyền, tọa đàm về truyền thống lịch sử, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức rầm rộ từ huyện đến cơ sở. Ông Bùi Vinh Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Năm nào cũng vậy, ngày 27/9, bà con các dân tộc trong huyện Bắc Sơn đều coi là ngày lễ hội lớn trong năm nên mọi người đều tất bật chuẩn bị đón ngày lễ kỷ niệm. Trên địa bàn thị trấn, khắp các ngõ phố, nhà cửa được treo cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Các băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ tuyên truyền trên các trục đường chính của huyện được trang hoàng rực rỡ, thể hiện hình ảnh huyện Bắc Sơn đang trên đà đổi mới.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()