Bắc Sơn: Tập trung phòng trừ sinh vật hại rừng nghiến Đông Đằng
– Năm 2020, rừng nghiến Đông Đằng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn bị sâu hại ăn trụi lá. Đến nay, cơ quan chuyên môn đã diệt trừ được loài sâu hại này, tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2021, khu rừng này lại xuất hiện loài sinh vật gây hại khác khiến 70% số cây nghiến trong rừng bị vàng lá. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng huyện Bắc Sơn đang phối hợp cùng cơ quan chuyên môn của tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp phòng trừ.
Rừng nghiến Đông Đằng có diện tích 13,3 ha, thuộc lô 97, khoảnh 9, tiểu khu 240 B của Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Bắc Sơn. Hiện trong rừng còn 184 cây nghiến có đường kính từ 20 cm trở lên. Từ đầu tháng 8/2021, người dân trên địa bàn phát hiện một số cây nghiến có hiện tượng vàng lá mà không rõ nguyên nhân.
Anh Dương Hữu Chung, Trưởng thôn Đông Đằng cho biết: Rừng nghiến trải qua hàng trăm năm nay chưa bao giờ bị sinh vật nào gây hại. Vậy mà năm 2020 thì bị sâu lạ ăn trụi lá, sau khi diệt trừ chưa lâu, lá tươi tốt trở lại thì xuất hiện thêm bệnh vàng lá như này khiến chúng tôi rất lo lắng.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn phun thuốc thử nghiệm phòng trừ sinh vật hại cây nghiến
Ngay sau khi được người dân phát hiện và thông báo, các cơ quan chuyên môn ở huyện Bắc Sơn đã khẩn trương thông tin, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh kiểm tra toàn bộ diện tích khu bảo tồn. Bà Dương Thị Út Nhâm, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Sơn cho biết: Qua kiểm tra 148 cây nghiến có đường kính trên 20 cm cho thấy có đến hơn 100 cây bị bệnh, khoảng 70 đến 80% lá trên cây bị vàng, có lớp phấn trắng bao phủ thành màng ở mặt dưới lá và cành non. Hiện tượng vàng lá chỉ xuất hiện tại rừng nghiến thuộc thôn Đông Đằng, trên đúng diện tích đã từng bị sâu hại trước đó (vào năm 2020). Các cây nghiến tại những khu vực khác của khu bảo tồn không xuất hiện hiện tượng này.
Thông qua công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện loài côn trùng có kích thước 1 đến 2 mm, nghi là một trong những loài ve sầu bọt (tên khoa học là Cercopidae) chích hút nhựa làm lá cây bị vàng và rụng. Chi cục TT&BVTV tỉnh đã thu thập mẫu gửi Viện Bảo vệ thực vật tiến hành giám định để khẳng định tên loài.
Trong khi chờ kết quả giám định, Chi cục TT&BVTV đã đưa ra một số giải pháp trước mắt để Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, người dân sớm triển khai nhằm hạn chế sinh vật hại tiếp tục phát triển. Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Do rừng nghiến ở phía trên khu dân cư, nước sinh hoạt của các hộ là nguồn nước từ núi đá chảy ra nơi có rừng nghiến bị hại và có địa hình dốc cao nên khó áp dụng các biện pháp phòng, chống thông thường, vì thế chúng tôi khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc trừ sâu sinh học phòng trừ côn trùng chích hút như: Movento 150OD, Exin 4.5SC, Dibamec 5WG…
Hiện tượng vàng lá chỉ mới bắt đầu từ đầu tháng 8 nhưng chỉ trong khoảng 10 ngày, đã lan ra hơn 100 cây nghiến cho thấy mức độ gây hại lần này mạnh hơn nhiều so với loài sâu hại nghiến xuất hiện vào đầu năm 2020. Do đó, các cơ quan chức năng huyện Bắc Sơn đang tập trung xây dựng phương án sử dụng các loại thuốc BVTV theo khuyến cáo và triển khai phun ngay sau khi có kết quả giám định, hoặc theo hướng dẫn chi tiết từ Chi cục TT&BVTV tỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Song song với các giải pháp trước mắt, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn đang chủ động phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng ngừa đối với các đối tượng gây hại đã từng xuất hiện trên cây nghiến để triển khai thực hiện các giải pháp về lâu dài.
Ý kiến ()