Bắc Sơn: Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn
– Những năm qua, thông qua các lớp đào tạo nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Bắc Sơn tổ chức, lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã có thêm kiến thức, kỹ năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển du lịch… Từ đó, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Dương Hữu Hoàng, thôn Rạ Lá, xã Long Đống từng được tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, trong đó có cây nho do Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức năm 2018. Anh Hoàng cho biết: Những kiến thức được học đã giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc vườn nho. Nhờ đó, đến nay, gia đình tôi đã tăng diện tích trồng nho lên hơn 8 sào, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ trồng nho, cao hơn rất nhiều so với khi chưa được học kỹ thuật chăm sóc.
Đoàn viên thanh niên xã Đồng Ý trong giờ thực hành chăm sóc cây ăn quả. (Ảnh chụp trước tháng 4/2021)
Không riêng anh Hoàng, hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã tham gia các lớp học nghề về: trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn du lịch, dịch vụ, kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp… Qua các lớp học, lực lượng lao động này đã có thêm kiến thức, kỹ năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Có những hộ đã xây dựng được mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 17 mô hình kinh tế (chăn nuôi, trồng cây ăn quả…) do thanh niên làm chủ có hiệu quả cao.
Trung tâm GDNN – GDTX huyện là đơn vị chủ đạo trong việc thực hiện và phối hợp đào tạo ngành, nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Ông Dương Công Thọ, Giám đốc trung tâm cho biết: Thực hiện đề án của Thủ tướng chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và bám sát nhu cầu thực tiễn của địa phương, ngoài việc mở các lớp đào tạo về chăn nuôi, trồng trọt, trung tâm còn mở nhiều lớp đào tạo các nghề liên quan đến hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật nấu ăn cho lao động nông thôn. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, trung tâm đã phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, UBND các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo hướng đào tạo những gì người lao động thực sự cần, đa dạng hóa loại hình đào tạo theo phương châm “học đi đôi với hành”, “cầm tay chỉ việc”… qua đó, đã mở được 144 lớp dạy nghề cho 4.491 người lao động, thanh niên nông thôn với các ngành, nghề như: kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật nuôi thủy sản, kinh doanh du lịch… Sau khi học nghề đã có nhiều học viên tổ chức được các mô hình sản xuất, điểm du lịch tại địa phương.
Trong thời gian tới, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Bắc Sơn tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề tại cơ sở, tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với năng lực của từng đối tượng tham gia học nghề, tạo việc làm tại chỗ. Đẩy mạnh các hình thức liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề; tập trung nguồn lực để tăng số lớp, số học viên tham gia học nghề theo hướng chất lượng, hiệu quả; phấn đấu trên 90% học viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay.
Bà Dương Ngọc Nguyên, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh Xã hội – Dân tộc huyện Bắc Sơn cho biết: Qua học nghề, lao động nông thôn nói chung, lực lượng thanh niên nói riêng nắm bắt được những kiến thức mới áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập. Nhờ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Bắc Sơn đều tăng qua các năm. Năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 38,5%. Năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên là 55,11%, (tăng 16,61% so với năm 2016), trong số đó, tỷ lệ thanh niên nông thôn qua đào tạo nghề chiếm 38%. Sang năm 2021, Bắc Sơn phấn đấu nâng tỷ lệ lao động vùng nông thôn đã qua đào tạo lên khoảng 57%, trở thành một trong ba huyện có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao trong tỉnh.
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()