Bắc Sơn: Phát triển vùng quýt gắn với du lịch
(LSO) – Song song với việc nâng cao năng suất, chất lượng quýt vàng, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã có những mô hình trồng quýt gắn với du lịch. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao giá trị loại quả đặc sản này mà còn mở thêm hướng phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Nâng cao chất lượng
Ông Tô Bắc Thái, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Những năm qua, cây quýt vàng đã trở thành cây mũi nhọn, là chìa khóa giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn nâng cao thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế. Song song với duy trì diện tích quýt lâu năm được trồng trong lân, lũng, người dân một số xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn còn đưa cây quýt xuống trồng ở nương, bãi. Đến nay, diện tích cây quýt vàng toàn huyện đạt trên 600 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 400 ha.
Du khách tham quan vườn quýt Hang Hú, xã Chiến Thắng
Cùng với việc mở rộng diện tích cây quýt, việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm quýt vàng đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật trong đó chính là phát triển cây quýt vàng theo hướng VietGAP. Với sự hỗ trợ của nhà nước và sự vào cuộc của người dân, đến nay, diện tích quýt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện đạt trên 150 ha.
Ông Dương Công Thầm, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả xã Vũ Sơn cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có gần 27 ha cây quýt đã cho thu hoạch được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi tham gia sản xuất theo mô hình VietGap, sản lượng cũng như giá trị kinh tế của quả quýt cao hơn rõ rệt. Những năm gần đây, sản lượng quýt của hợp tác xã đạt khoảng 185 tấn, cao gấp 1,5 lần so với việc trồng và chăm sóc thông thường như trước đây.
Tương tự mô hình trồng quýt của hợp tác xã tại xã Vũ Sơn, nhiều hộ dân xã Chiến Thắng đã nâng cao thu nhập từ cây quýt vàng. Ông Dương Công Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có gần 100 ha quýt, trong đó có 60 ha đã cho thu hoạch, diện tích trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 35 ha. Trung bình các hộ trồng quýt trên địa bàn có thu nhập từ 50 đến100 triệu đồng, một số hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Cùng với 2 trường hợp trên, nhiều xã khác trên địa bàn huyện đã nâng cao thu nhập từ quýt vàng. Hằng năm, doanh thu trung bình từ quýt đạt trên 45 tỷ đồng.
Gắn với phát triển du lịch
Phát triển diện tích, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng của quả quýt vàng Bắc Sơn đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Không dừng lại ở đó, khoảng 3 năm trở lại đây, mô hình phát triển cây ăn quả gắn với du lịch đã được người dân trên địa bàn triển khai. Việc phát triển cây quýt gắn với du lịch không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho hộ trồng quýt mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn, thu hút khách du lịch đến với huyện.
Vườn quýt Hang Hú, xã Chiến Thắng là một điểm nhấn nổi bật nhất trong việc kết hợp giữa phát triển quýt gắn với du lịch. Ông Hoàng Quang Phiệt, chủ vườn quýt Hang Hú cho biết: Cây quýt được trồng ở Hang Hú từ năm 1986. Nhận thấy những điều kiện phù hợp cho việc đón khách du lịch như: cây quýt cổ to, sai quả; địa hình, phong cảnh đẹp, năm 2017, gia đình tôi mở dịch vụ đón khách vào tham quan vườn quýt.
Người dân xã Chiến Thắng chăm sóc cây quýt
Lượng khách du lịch tham quan vườn quýt tăng đều qua từng năm. Nếu như năm đầu tiên mở cửa, vườn quýt thu hút trên 6.000 lượt khách thì dự kiến năm 2019 này, lượng khách tham quan sẽ đạt trên 12.000 lượt. Khách tham quan, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ đã giúp gia đình tăng thêm thu nhập. Nếu như trước năm 2017, mỗi năm vườn quýt thu về từ 200 đến 250 triệu đồng, thì từ năm 2017 đến nay, thu nhập của gia đình tăng 1,5 lần. Không chỉ tăng giá trị từ kết hợp trồng quýt với phát triển du lịch, việc tổ chức đón khách tham quan còn góp phần quảng bá sản phẩm quýt vàng của quê hương.
Cùng với vườn quýt Hang Hú, trên địa bàn huyện cũng đã bước đầu hình thành một số vườn, lân quýt đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm như vườn quýt tại các xã: Chiến Thắng, Quỳnh Sơn, Bắc Sơn…. Mặc dù lượng khách chưa nhiều như ở vườn quýt Hang Hú song đã mở thêm hướng trồng quýt gắn với du lịch.
Trên thực tế, mô hình phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có cây quýt gắn với du lịch trên địa bàn huyện Bắc Sơn có rất nhiều cơ hội phát triển. Theo danh sách 13 điểm có tiềm năng đầu tư phát triển du lịch tại huyện Bắc Sơn, có nhiều địa điểm tại các xã: Chiến Thắng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Long Đống, Đồng Ý… Đây là những vùng trồng quýt chủ lực của huyện. Cùng với đó, lượng khách du lịch đến với Bắc Sơn những năm gần đây tăng mạnh, cao điểm có năm đón đến hơn 100.000 lượt khách trong và ngoài nước.
Không những vậy, hiện nay một số công ty du lịch ở trong và ngoài huyện Bắc Sơn đã kết nối, xây dựng và mở các tour du lịch trải nghiệm, trong đó có tham quan các vườn quýt trên địa bàn. Từ đó càng mở ra nhiều cơ hội cho mô hình trồng quýt gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bắc Sơn.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có từ cây quýt cùng những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, mô hình phát triển cây quýt gắn với du lịch đang mở thêm hướng phát triển kinh tế mới, qua đó góp phần nâng cao giá trị cây quýt vàng, đồng thời thu hút khách du lịch đến với Bắc Sơn.
Liên kết phát triển du lịch vườn quýt
(LSO) – Để xây dựng thành công mô hình phát triển cây quýt gắn với du lịch, bên cạnh sự chủ động của người dân cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch.
Bà Tô Thị Thu Sen, Giám đốc Công ty TNHH du lịch nông nghiệp Việt: “Xây dựng các tua du lịch trải nghiệm”.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện, chúng tôi liên kết với các công ty, đơn vị làm du lịch tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Qua đó, xây dựng các tua du lịch trải nghiệm tại các điểm như: tham quan vườn chanh leo (Mỏ Hao), khu Mỏ Mắm, làng du lịch cộng đồng (Quỳnh Sơn); xây dựng tua du lịch khám phá tại thôn Tiến Hậu (Nhất Tiến), tìm hiểu về văn hóa người dân tộc Mông…. Đặc biệt, chúng tôi xây dựng chương trình đưa du khách đến tham quan các vườn quýt trên địa bàn như: vườn quýt Hang Hú (xã Chiến Thắng) và một số vườn quýt khác của các xã: Vũ Sơn, Nhất Hòa. Qua đó, vừa giới thiệu sản phẩm quýt và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tới du khách, vừa tạo cho khách có sự trải nghiệm thực tế tại vườn.
Ông Dương Công Hành, chủ cơ sở điểm du lịch Mỏ Mắm, xã Chiến Thắng: “Hoàn thiện hạ tầng, tăng cường liên kết các điểm du lịch vườn quýt”.
Chính thức đưa vào khai thác đón khách du lịch từ tháng 6/2017, hiện nay, Mỏ Mắm được đánh giá là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch. Năm 2019, điểm du lịch đón khoảng 15.000 lượt khách. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt nhất cho khách du lịch, hiện nay, điểm du lịch Mỏ Mắm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng phục vụ ăn, ngủ, nghỉ. Đặc biệt để giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị khi đến huyện Bắc Sơn, điểm du lịch Mỏ Mắm đã liên kết chặt chẽ với các vườn quýt trên địa bàn. Từ đó, khách vừa được tham quan, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên vừa được trải nghiệm, thu hái quýt và mua quýt ngay tại vườn. Việc liên kết như vậy tăng sự đa dạng về dịch vụ cho du khách, tăng giá trị cây quýt cũng như thu hút thêm nhiều khách du lịch đến đây.
Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn: “Liên kết du lịch cộng đồng với trải nghiệm vườn quýt”.
Hiện nay, trên địa bàn xã có làng văn hóa du lịch cộng đồng với 10 gia đình tham gia. Năm 2019, các gia đình đã đón tiếp 650 đoàn với lượng khách trên 9.000 lượt người. Để “giữ chân” du khách được lâu hơn, xã đã phối hợp với đơn vị liên quan, các gia đình giới thiệu mô hình trải nghiệm vườn quýt ở trong và ngoài xã. Ngược lại, du khách tham quan vườn quýt cũng được giới thiệu đến nghỉ tại làng du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự để du khách có được những trải nghiệm thú vị, an toàn trong những ngày lưu trú tại đây.
Ý kiến ()