Bắc Sơn: Phát triển mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt
(LSO) – Bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bắc Sơn tập trung xây dựng, phát triển mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt. Từ 2017 đến nay, mô hình đã và đang được triển khai thực hiện và cho hiệu quả tích cực.
Những ngày đầu tháng 12 này, chúng tôi đến mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt tại thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng (Bắc Sơn). Rẽ từ quốc lộ 1B vào thôn, trên con đường bê tông trải dài, hai bên là những vườn quýt trĩu quả, vàng rực, người dân thu hái, thương lái đến thu mua tấp nập, nhộn nhịp cả thôn.
Ông Đặng Văn Lương, người dân thôn Hồng Phong 4 phấn khởi cho biết: Hiện nay đang vào mùa thu hoạch quýt, theo dự ước, năng suất đạt 20 tấn/ha, cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả trên, theo ông Lương, thời gian qua được sự quan tâm của các cấp chính quyền, bản thân ông và người dân trong thôn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây quýt. Đặc biệt, năm 2017, gia đình ông Lương được nhà nước đầu tư đường ống dẫn nước, téc nước để thực hiện mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt.
Mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt tại thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ hệ thống đường ống dẫn nước, van, téc đựng nước,… nhân dân đối ứng bằng việc bỏ ngày công, tìm nguồn nước, khoan giếng để đảm bảo đủ nguồn nước cho tưới cây. Hoạt động của mô hình tưới nước nhỏ giọt là bơm nước từ nguồn nước lên téc đựng (téc được đặt ở vị trí cao) sau đó hệ thống các đường ống dẫn nước qua các gốc cây quýt, tại mỗi gốc cây được lắp một van xả nhỏ giọt để tưới vào gốc.
Hiện nay, trên địa bàn thôn Hồng Phong có 22 hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ và thực hiện mô hình tưới nước nhỏ giọt. Qua tìm hiểu, người dân trong thôn cho biết, vào thời điểm tháng 10 âm lịch, quả quýt bắt đầu chuyển từ giai đoạn xanh ương sang chín vàng. Đây cũng là thời điểm cây cần nhiều nước để quả chín mọng, vỏ bóng mịn. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mùa khô, thiếu nước, người dân phải đi cách thôn khoảng 1 km để chở nước về tưới cho cây. Mỗi lần như vậy phải có từ 3 đến 4 người mới vận chuyển nước về và tưới được cho cây, cùng với đó trong quá trình tưới nước vương vãi nên vừa tốn nước lại vừa mất nhiều công lao động. Mô hình tưới nước nhỏ giọt khắc phục được những hạn chế này. Ông Phan Văn Hiền, người dân thôn Hồng Phong 4 cho biết: Việc áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt đã giảm được công lao động, tiết kiệm nguồn nước, độ ẩm được duy trì lâu hơn so với gánh nước tưới. Từ đó, góp phần tăng năng suất cây trồng.
Ông Dương Công Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Hiện trên địa bàn xã có gần 100 ha quýt, để cây quýt phát triển cho năng suất cao, từ năm 2017 đến nay, xã được Nhà nước hỗ trợ 1 tỷ đồng để thực hiện mô hình tưới nước nhỏ giọt tại thôn Hồng Phong 4. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, người dân đã đóng góp ngày công, mua máy bơm, khoan giếng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay mô hình hoạt động hiệu quả, nhân dân phấn khởi. Xã đang tuyên truyền, vận động nhân dân các thôn khác học tập, nhân rộng mô hình.
Không chỉ Chiến Thắng, hiện nay mô hình tưới nước nhỏ giọt đã được triển khai ở một số xã khác trên địa bàn huyện. Ông Vi Đình Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2017 huyện xây dựng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt đầu tiên tại thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng. Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, mô hình cho hiệu quả tốt. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, năm nay, cũng bằng nguồn vốn như trên, huyện tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình tại các xã: Đồng Ý, Tân Lập, Tân Hương, Bắc Sơn, tổng vốn Nhà nước hỗ trợ trong 2 năm (2017-2018) là 1,4 tỷ đồng. Hiện mô hình tại các xã đang thực hiện sắp hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 12 này. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền nhân dân các xã tham quan, từ đó nhân rộng mô hình.
Ý kiến ()