Bắc Sơn: Phát triển cây ăn quả có múi
(LSO) – Thời gian qua, người dân huyện Bắc Sơn đã tích cực trồng và mở rộng diện tích cây ăn quả có múi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, đã có hàng trăm héc ta cây ăn quả cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.
Hiện nay, việc phát triển cây ăn quả đang được huyện Bắc Sơn quan tâm, đặc biệt là phát triển cây ăn quả có múi như: cam, quýt, bưởi… Huyện cũng đã quy hoạch thành vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung ở 9 xã: Đồng Ý, Chiến Thắng, Vũ Sơn, Tân Lập, Tân Hương, Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Nhất Tiến, Nhất Hòa…
Cùng với quy hoạch vùng, huyện định hướng người dân quan tâm khâu lựa chọn các loại giống tốt, sạch sâu bệnh; tập trung đầu tư chăm sóc để duy trì những vườn cây đang cho thu hoạch cao; cải tạo, thay thế dần những vườn đã già cỗi, năng suất thấp bằng cách trồng cây ghép; đảm bảo quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật; phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể của cây quýt…
Người dân xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn chăm sóc cây cam đường Canh
Ngoài ra, để thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, huyện tuyên truyền, vận động nhân dân trồng quýt hạ sơn (đưa cây quýt trong các lân, lũng về trồng gần nhà); tích cực chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi cho giá trị kinh tế cao. Theo đó, từ năm 2006, bên cạnh việc duy trì trồng cây quýt (giống bản địa), một số hộ dân đã trồng thêm một số loại cây ăn quả có múi như: bưởi Diễn, cam đường Canh, bưởi da xanh…
Bà Hoàng Thị Sáng, thôn Bó Luông, xã Đồng Ý cho biết: Năm 2006, tôi trồng 100 cây bưởi Diễn. Sau 4 năm, bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Thấy hiệu quả, gia đình tôi đã trồng thêm 200 cây. Đến mùa thu hoạch, khách quen ở Hà Nội, Thái Nguyên, thành phố Lạng Sơn tìm về tận vườn đặt mua. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu gần 2 vạn quả, với giá bình quân 20 nghìn đồng/quả, trừ chi phí, gia đình thu nhập gần 400 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã trồng và mở rộng diện tích cây ăn quả có múi. Hiện toàn huyện có hơn 900 ha cây ăn quả có múi gồm một số loại chủ yếu như: quýt (560 ha); cam (160 ha), bưởi (170 ha)…
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển cây ăn quả, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các xã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; trung bình từ 25 đến 30 lớp/năm cho khoảng 1.200 – 1.500 người tham dự.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (trung bình từ 400 – 600 triệu đồng/năm) để đầu tư trồng và chăm sóc cây ăn quả theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện toàn huyện có gần 170 ha cây ăn quả có múi được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, có gần 150 ha quýt và 20 ha bưởi.
Ông Đặng Văn Lương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nam Hồng, xã Chiến Thắng chia sẻ: Gia đình tôi có 2 ha quýt, 70 cây bưởi da xanh và 150 cây cam Vinh. Năm 2017, được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi và các thành viên trong HTX bắt đầu áp dụng quy trình chăm sóc quýt theo hướng VietGAP. Từ đó, cây ra quả đều hơn, năng suất ổn định hơn. Trước đây, trung bình mỗi cây cho thu 30 kg quả thì hiện nay, mỗi cây cho thu từ 40 đến 50 kg quả. Nhờ áp dụng quy trình VietGAP, chất lượng quả tốt hơn. Vụ quýt năm 2018, gia đình tôi thu khoảng 30 tấn quả, trừ chi phí, gia đình lãi 250 triệu đồng. Không riêng gia đình tôi mà hiện nay nhờ áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi theo hướng VietGAP, tất cả 17 thành viên của HTX đều có thu nhập ổn định từ 100 – 300 triệu đồng/năm từ cây ăn quả.
Nhờ trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng 21,8 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.
Ông Vy Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả có múi, thời gian qua, huyện đã kết hợp du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp để tăng nguồn thu cho nhà vườn. Cùng với tổ chức sản xuất, huyện đã điều chỉnh, kiện toàn bộ máy HTX ở các xã để HTX thực sự phát huy vai trò là cầu nối gắn kết các thành viên trong lao động, sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Tháng 8/2019, tại Hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn, Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội, huyện Bắc Sơn đã có một doanh nghiệp (Công ty TNHH Du lịch Nông nghiệp Việt) ký kết hợp đồng với các công ty tại Hà Nội để cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn (trong đó có cây ăn quả có múi) của huyện để đưa vào hệ thống siêu thị, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ý kiến ()