LSO-Những rừng nghiến bạt ngàn trên địa bàn huyện Bắc Sơn giờ đây chỉ còn trong ký ức của những người hoài cổ. Tuy vậy Bắc Sơn vẫn là một trong những địa bàn diễn ra nhộn nhịp các hoạt động vi phạm Luật quản lý và bảo vệ rừng (QLBVR). Trước tình trạng đó, địa phương đã tiến hành hai nhiệm vụ song hành là quản lý, bảo vệ, đồng thời với phát triển vốn rừng.Tuy không còn cây tươi để khai thác, nhưng gốc, rễ của những cây nghiến quý hiếm trên địa bàn huyện Bắc Sơn vẫn tiếp tục bị đào, xới. Từ đây, lâm sản được vận chuyển bằng nhiều hình thức như mang, vác bộ, hoặc dùng các phương tiện đưa ra các điểm thu mua, bán cho các đối tượng đầu nậu, chuyển tiếp đi tiêu thụ. Không chỉ vậy, trong thời gian qua, Bắc Sơn còn là một trong những địa bàn trung chuyển gỗ lậu lớn trong toàn tỉnh. Cơ quan chức năng cho biết: Gỗ, thớt nghiến từ các khu vực giáp ranh thường được vận chuyển qua địa bàn các xã Tân Tri, Vạn Thuỷ ra quốc lộ 1B… Thu...
LSO-Những rừng nghiến bạt ngàn trên địa bàn huyện Bắc Sơn giờ đây chỉ còn trong ký ức của những người hoài cổ. Tuy vậy Bắc Sơn vẫn là một trong những địa bàn diễn ra nhộn nhịp các hoạt động vi phạm Luật quản lý và bảo vệ rừng (QLBVR). Trước tình trạng đó, địa phương đã tiến hành hai nhiệm vụ song hành là quản lý, bảo vệ, đồng thời với phát triển vốn rừng.
Tuy không còn cây tươi để khai thác, nhưng gốc, rễ của những cây nghiến quý hiếm trên địa bàn huyện Bắc Sơn vẫn tiếp tục bị đào, xới. Từ đây, lâm sản được vận chuyển bằng nhiều hình thức như mang, vác bộ, hoặc dùng các phương tiện đưa ra các điểm thu mua, bán cho các đối tượng đầu nậu, chuyển tiếp đi tiêu thụ. Không chỉ vậy, trong thời gian qua, Bắc Sơn còn là một trong những địa bàn trung chuyển gỗ lậu lớn trong toàn tỉnh. Cơ quan chức năng cho biết: Gỗ, thớt nghiến từ các khu vực giáp ranh thường được vận chuyển qua địa bàn các xã Tân Tri, Vạn Thuỷ ra quốc lộ 1B…
|
Thu giữ lâm sản khai thác và vận chuyển trái phép tại Bình Gia |
Trước tình hình đó, Bắc Sơn phải thực hiện đồng loạt 2 nhiệm vụ trọng tâm, đó là vừa phải tập trung vào QLBVR, vừa phải chú trọng phát triển vốn rừng. Ông Dương Minh Đạo, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Trong thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng (PCCR) của huyện, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng; tổ chức và tiếp tục kiện toàn mạng lưới bảo vệ rừng, PCCR từ huyện đến các cơ sở. Qua đó đã duy trì và phát huy hiệu quả của 103 tổ QLBVR, PCCR trong toàn huyện. Các tổ này đã tích cực hoạt động, không những tham gia bảo vệ rừng mà còn hoà giải các tranh chấp đất rừng ở cơ sở, góp phần ổn định trật tự xã hội. Đã có 3.343 hộ gia đình ở các thôn bản trên địa bàn thực hiện tốt các cam kết đã ký về QLBVR. Song song với đó ngành chức năng đã tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai truy quét, tuần rừng, kiểm tra, kiểm soát triệt phá các tụ điểm khai thác, vận chuyển trái phép. Phối hợp với các đơn vị giáp ranh ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm lâm luật. Tính trong năm 2010, Bắc Sơn đã phát hiện và xử lý 176 vụ vi phạm lâm luật; tịch thu 130m3 gỗ các loại; 611 chiếc thớt nghiến quy đơn; 18 tấn thực vật rừng. Thu giữ 26 phương tiện vận chuyển các loại. Trong khi đó cháy rừng cũng được hạn chế đến mức thấp nhất, trong năm chỉ có 0,55ha rừng trồng bị thiệt hại do cháy.
Đồng thời với đó, một mặt huyện tạo điều kiện cấp giấy phép khai thác lâm sản đúng theo quy định cho các chủ rừng, đảm bảo cho người dân được hưởng lợi từ rừng. Trong năm 2010, UBND huyện đã cấp 12 giấy phép khai thác rừng với tổng khối lượng trên 600m3 gỗ, các hộ gia đình đã thực hiện theo đúng giấy phép đã được cấp. Mặt khác đẩy mạnh công tác phát triển vốn rừng. Điểm nổi bật trong năm 2010 chính là triển khai dự án trồng rừng thay thế nương rẫy. Ban chỉ đạo thực hiện dự án của huyện đã tập trung tuyên truyền về lợi ích của dự án này tới từng hộ gia đình ở các thôn bản. Hướng dẫn nhân dân thực hiện việc trồng rừng thay thế nương rẫy và khảo sát thiết kế trồng rừng tại 4 xã Vũ Lăng, Nhất Hoà, Long Đống, Vạn Thuỷ. Chính sách phù hợp đã nhanh chóng tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và ngay lập tức đã có gần 200 hộ gia đình hưởng ứng tham gia trồng được gần 100 ha rừng thay thế nương rẫy trong năm 2010. Đồng thời các diện tích khoanh nuôi, tái sinh cũng đang phát triển tốt.
Vẫn biết số diện tích trồng rừng còn quá nhỏ bé so với số diện tích bị tàn phá trước kia. Nhưng với nỗ lực của toàn huyện, Bắc Sơn đã và đang có những bước đi hợp lý, hay nói cách khác đó là một cách “ứng xử” đúng đối với rừng, đó cũng là nền tảng và động lực để Bắc Sơn khôi phục lại vốn rừng, đưa kinh tế rừng trở thành thế mạnh của địa phương.
Lê Minh
Ý kiến ()