Bắc Sơn nỗ lực nâng cao dân trí
LSO-Trước cách mạng tháng Tám, cũng như các huyện miền núi tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ mù chữ của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Sơn là gần 99%. Sau 76 năm dưới nền giáo dục cách mạng, Bắc Sơn đã có sự phát triển toàn diện trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Học sinh Trường THPT Vũ Lễ ( Bắc Sơn) trong giờ thực hành thí nghiệm |
Tăng cường phổ cập giáo dục
Với sự phấn đấu không ngừng, đến nay Bắc Sơn đã hoàn thành phổ cập cả 3 cấp học: giáo dục tiểu học (GDTH)- chống mù chữ năm 1997, hoàn thành phổ cập GDTH đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) năm 2004; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.
Là một huyện đông dân, có nhiều xã vùng cao, vùng khó khăn với nhiều dân tộc cùng chung sống, huyện Bắc Sơn xác định: chỉ có hoàn thành, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập các cấp học thì trình độ dân trí mới được nâng cao. Với phương châm “đâu có dân là có lớp học, có giáo viên”, ngành GD&ĐT huyện vừa chú trọng vận động học sinh đến lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, chống lưu ban bỏ học, vừa tiến hành điều tra dân số trong độ tuổi để mở lớp duy trì. Năm học 2015-2016 đã có 17/20 xã duy trì vững chắc chuẩn biết chữ mức độ 3, các xã còn lại duy trì chuẩn biết chữ mức độ 2. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15-60 biết chữ đạt 96,99%. Toàn huyện có 100% số xã, thị trấn duy trì chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi, trong đó 85% số xã đạt chuẩn mức độ 3. Công tác phổ cập giáo dục THCS có ý nghĩa trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nên rất được quan tâm. Toàn huyện đã có 20/20 xã, thị trấn duy trì và nâng cao chất lượng chuẩn. Dân số trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp đạt tỷ lệ 91%. Với những nỗ lực đó, công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đã hoàn thành ở tất cả các xã, thị trấn và huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn tháng 11/2015.
Ông Lương Tiến Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cho biết: Hoàn thành và giữ vững phổ cập giáo dục các cấp chính là tạo nền tảng bền vững để người dân nâng cao dân trí. Mặt bằng dân trí cao mới có thể khơi dậy những tiềm năng của địa phương để phát triển.
Phát triển quy mô trường lớp
Sau cách mạng tháng Tám, giáo dục Bắc Sơn hầu như chỉ có 2 bàn tay trắng, toàn huyện có đến gần 50% số xã “trắng” về giáo dục. Cùng với nhân dân toàn tỉnh, những người con của những chiến sĩ du kích năm xưa bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ với khẩu hiệu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Nhiều lớp học mọc lên giữa những cánh rừng già, trong lân, lũng và khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954, Bắc Sơn đã có một nền tảng giáo dục khá vững chắc với hàng chục trường tiểu học và THCS. Năm 1956, Trường THPT Bắc Sơn được thành lập với gần 200 học sinh.
Đến nay, huyện Bắc Sơn đã có 64 trường từ cấp học MN đến THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên với tổng số gần 16 ngàn học sinh. Ngoài ra, 20 Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động thường xuyên, mỗi năm thú hút trên 22 ngàn lượt người đến học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Bà Hoàng Thị Luân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Trong những năm qua, kinh tế – xã hội huyện Bắc Sơn có sự phát triển nhanh và bền vững, công đầu chính là GD&ĐT. Bởi vì GD&ĐT đã gắn học với hành, học để làm việc; từ đó các loại hình và sự linh hoạt đã giúp lực lượng lao động Bắc Sơn có thêm kiến thức áp dụng vào thực tiễn. Sự phát triển bền vững của giáo dục đã tạo cơ hội cho người dân được hưởng các dịch vụ xã hội và chính dịch vụ xã hội đã tạo ra và tăng thêm các điều kiện tiện ích để nâng cao chất lượng sống của người dân nơi đây.
MINH HỒNG
Ý kiến ()