Bắc Sơn mở rộng diện tích quýt VietGAP
(LSO) – Quýt Bắc Sơn từ lâu đã được người tiêu dùng biết đến với hương vị thơm ngon đặc trưng. Để nâng cao chất lượng cũng như tăng giá trị, huyện Bắc Sơn đang tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Huyện Bắc Sơn hiện có trên 526 ha quýt, trong đó có 355 ha đang cho quả, năng suất trung bình đạt 49,78 tạ/ha. Năm 2017, sản lượng quýt toàn huyện đạt 1.767 tấn. Năm 2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hướng dẫn người dân xây dựng mô hình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 47 ha.
Nông dân huyện Bắc Sơn trồng quýt theo quy trình VietGAP
Ông Vi Đức Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Lúc đầu, hầu hết người dân chưa thấy được hiệu quả, cũng như tầm quan trong của việc sản xuất theo hướng VietGAP đối với việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nên công tác vận động triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Sau hơn 1 năm triển khai, thấy được hiệu quả mang lại từ mô hình này (giá bán tăng gấp 1,5 đến 2 lần) người dân trên địa bàn đã chủ động đăng ký triển khai thực hiện. Trong năm 2018, huyện Bắc Sơn phát triển thêm 84 ha quýt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nâng tổng diện tích quýt VietGAP toàn huyện lên 131 ha.
Để nông dân hiểu và áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, hội thảo, hội nghị… Cùng với đó xây dựng các mô hình thí điểm. Đặc biệt, cán bộ khuyến nông, kỹ sư nông nghiệp được cử trực tiếp xuống tận vườn hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc cây quýt. Tất cả các khâu chăm sóc như: tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… đều được ghi chép và theo dõi tỉ mỉ. Phân hữu cơ, chế phẩm sinh học được khuyến khích sử dụng trong quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Cùng với đó, các hộ tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP cũng được hỗ trợ phân bón.
Ông Đặng Văn Lương, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Nam Hồng, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: HTX có 17 hộ thành viên chuyên trồng quýt. Lúc đầu nghe nói sản xuất theo quy trình VietGAP với nhiều khâu, nhiều giai đoạn, nhất là làm gì cũng phải ghi chép chi tiết nên tôi cũng như các hộ thành viên trong HTX đều thấy khó khăn khi thực hiện. Song, được sự giúp đỡ, cầm tay chỉ việc của cán bộ khuyến nông nên đến nay việc thực hiện đã vào nền nếp theo đúng quy trình … Năm 2017, sản xuất thí điểm, năng suất vườn quýt gia đình tôi đạt 10 tấn/ha. Dự kiến năm 2018 năng suất đạt 30 tấn/ha.
Sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ năng suất, chất lượng quả tăng mà giá trị quả quýt mang lại cho nông dân cũng tăng đáng kể. Giá quýt sản xuất theo quy trình thông thường trung bình khoảng 20.000 đến 25.000 đồng/kg thì quýt VietGAP được bán với giá 30.000 đến 60.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Theo thông tin từ HTX nông nghiệp Nam Hồng, trong tháng 9/2018, HTX đã ký hợp đồng với Công ty An Việt. Theo đó, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm quýt sản xuất theo quy trình VietGAP để cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội.
Sản xuất tập trung theo hướng VietGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, sẽ giúp người nông dân Bắc Sơn mở rộng thị trường tiêu thụ quýt ra các tỉnh thành trong cả nước và tiến tới xuất khẩu. Thời gian tới, huyện Bắc Sơn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng quýt vàng Bắc Sơn.
Ý kiến ()