Bắc Sơn: Hiệu quả từ vùng sản xuất hàng hóa tập trung
LSO-Trong những năm qua, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã có sự phát triển nhanh chóng. Trong đó điểm nhấn là việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, gắn liền với thị trường tiêu thụ.
LSO-Trong những năm qua, sản xuất nông – lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã có sự phát triển nhanh chóng. Trong đó điểm nhấn là việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, gắn liền với thị trường tiêu thụ. Không chỉ nâng cao đời sống của nhân dân mà sản xuất nông nghiệp còn đóng góp lớn cho ngân sách huyện.
Quýt là cây đặc sản của Bắc Sơn |
Chỉ tính riêng vùng sản xuất cây công nghiệp mà điển hình là cây thuốc lá của Bắc Sơn, với quy mô 2.200ha – 2.600ha mỗi năm thì cũng quá đủ để gọi là cánh đồng mẫu lớn. Tuy không liền bờ, liền thửa, bằng phẳng thẳng cánh cò bay như ở các tỉnh đồng bằng, nhưng về phương thức sản xuất, sơ chế, tiêu thụ, áp dụng khoa học kỹ thuật và quản lý thì vùng sản xuất này không thua kém vùng sản xuất hàng hóa tập trung nào trong cả nước. Ông Dương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: trong những năm qua, huyện luôn chú trọng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì Bắc Sơn đã lập quy hoạch để định hướng cho các vùng có khả năng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, trong đó tập trung vào các loại cây công nghiệp, cây đặc sản và lương thực hàng hóa.
Thực chất vùng sản xuất cây thuốc lá của Bắc Sơn những năm trước kia chưa thật sự bền vững, bởi liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán. Trước thực trạng đó, vai trò quản lý của nhà nước được đặt lên hàng đầu. Căn cứ vào năng lực sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, huyện lựa chọn và ký kết nguyên tắc đầu tư và thu mua sản phẩm trong thời hạn 2-5 năm. Đồng thời phân vùng đầu tư cho doanh nghiệp tại các địa phương. Căn cứ vào vùng đầu tư được giao, các doanh nghiệp ký kết cụ thể phương thức hợp tác sản xuất với từng hộ gia đình, trong đó bao gồm cả cung ứng vật tư, chuyển giao khoa học và tiêu thụ sản phẩm. Mọi quá trình đều có sự giám sát, quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Từ đó tạo nên vùng sản xuất nguyên liệu bền vững, hiệu quả. Theo ước tính, năm 2013 diện tích thuốc lá của toàn huyện lên đến trên 2.600ha, sản lượng khoảng hơn 6.000 tấn, giá trị tương đương 250 tỉ đồng. Vùng sản xuất này hàng năm đóng góp cho ngân sách huyện hơn 20 tỉ đồng, chiếm tới trên 70% tổng thu ngân sách huyện. Tổng diện tích đất sản xuất của Bắc Sơn, tương đối lớn, nhưng thực chất trong đó đa phần là lân, lũng, diện tích thuận lợi không nhiều. Nhưng trong những năm qua, tận dụng đất lân, lũng, nhân dân trong toàn huyện đã tập trung đẩy mạnh trồng ngô lai và kết quả tạo ra vùng sản xuất ngô tập trung.
Ông Dương Hữu Sầm, Chủ tịch UBND xã Nhất Hòa khẳng định: vùng sản xuất ngô lai hiện nay là một trong những hướng đi chủ lực trên địa bàn xã, hàng năm mang lại nguồn lợi hàng tỉ đồng, có những gia đình thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ ngô. Tính trên địa bàn toàn huyện, hiện nay diện tích ngô hàng năm xấp xỉ con số 5.000ha, sản lượng ước tính trên 20 nghìn tấn/năm. Vùng sản xuất này luôn có thị trường với mức giá ổn định trên 6.000 đồng/kg, một phần sản phẩm được sử dụng làm thức ăn phát triển chăn nuôi. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, việc hình thành các vùng sản xuất tập trung đã kéo theo sự chuyển dịch tích cực của cơ cấu mùa vụ. Hiện nay diện tích sản xuất mùa sớm ở Bắc Sơn đã lên đến 2.600ha. Phương thức sản xuất đã dần tiệm cận với mô hình cánh đồng mẫu lớn từ đồng loạt trong việc sử dụng các biện pháp canh tác tới đồng đều trong sử dụng giống. Ông Dương Công Khoa, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: lúa mùa sớm trên địa bàn hiện nay chủ yếu là sử dụng giống nếp cái hoa vàng và sản phẩm được đặt hàng ngay từ trước khi gieo cấy. Ngoài các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện nay huyện Bắc Sơn đang tích cực triển khai các biện pháp cải tạo, phục tráng giống quýt vàng địa phương để tạo thành vùng cây đặc sản trên địa bàn. Vùng sản xuất này ước tính mỗi năm cũng mang lại gần 100 tỷ đồng cho nông dân Bắc Sơn.
Ông Dương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định thêm, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chung của huyện. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người của nông dân Bắc Sơn đã tăng từ 8,2 triệu đồng/người/ năm lên đến gần 18 triệu đồng/ người/năm. Xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung đó là vai trò của liên kết 4 nhà, mà chủ đạo là hợp tác giữa doanh nghiệp – nông dân.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()