Bắc Sơn: Giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể
– Những năm qua, chính quyền và người dân huyện Bắc Sơn đã có những cách làm hay, biện pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT). Qua đó thiết thực góp phần vào công tác bảo tồn, làm giàu và phát huy vốn DSVH đậm đà bản sắc dân tộc của quê hương.
Huyện Bắc Sơn hiện có 3 DSVH PVT cấp quốc gia gồm: lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên), thực hành then và múa sư tử mèo; cùng các loại hình di sản như tập quán xã hội, lễ hội địa phương, trang phục, tiếng nói, chữ viết của người dân tộc Tày, Dao, Mông, Nùng trên địa bàn. Toàn huyện có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Đội văn nghệ xã Bắc Quỳnh biểu diễn hát then tại làng du lịch cộng đồng xã Bắc Quỳnh ngày 6/4/2021
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020”, thời gian qua, phòng đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tích cực tuyên truyền đến người dân về giữ gìn, phát huy các DSVH PVT gắn với phát triển du lịch địa phương; quan tâm nghiên cứu, lên kế hoạch phục dựng các DSVH PVT đã mai một; tạo không gian văn hóa lành mạnh để các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát then, hát lượn được bảo lưu, trao truyền, phát triển; quan tâm bảo tồn làng văn hóa dân tộc, làng làm nghề truyền thống…
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan liên quan trên đia bàn huyện đã đăng phát trên 150 tin, bài để tuyên truyền, treo 22 băng rôn; phối hợp với Đài Thát thanh – Truyền hình tỉnh tổ chức ghi hình, ghi âm được 11 chương trình về DSVH PVT; tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, các buổi sinh hoạt chung tại thiết chế văn hóa cơ sở cho trên 20.000 lượt người về phát huy giá trị di sản; tuyên truyền qua hệ thống trang thông tin điện tử huyện, truyền thanh cơ sở, qua mạng xã hội như: Youtube; Facebook; Zalo…
Cùng đó, huyện cũng tạo điều kiện để các loại hình nghệ thuật truyền thống được bảo lưu, trao truyền. Cụ thể, đã có trên 50 câu lạc bộ, đội văn nghệ được thành lập để lưu giữ, truyền dạy di sản. Đơn cử như đội văn nghệ xã Bắc Quỳnh với 15 thành viên, trung bình mỗi năm, đội biểu diễn trên 400 tiết mục phục vụ trên 2.500 lượt khách du lịch; xây dựng mô hình thí điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tại xã Đồng Ý; người dân duy trì nghề truyền thống như: nghề làm ngói âm dương (xã Bắc Quỳnh, Long Đống); nghề nhuộm chàm (xã Vạn Thủy), làm bánh chưng đen (phân bổ khắp các xã trên địa bàn huyện); trao truyền hát then, hát ví, hát lượn, múa chầu, múa tiên…
Là người dạy hát then cho nhiều thế hệ trẻ, Nghệ nhân Ưu tú loại hình “Trình diễn nghệ thuật dân gian” – ông Dương Hữu Cà, dân tộc Tày, trú tại thị trấn Bắc Sơn cho biết: Tôi có niềm đam mê sâu nặng với hát Then. Vì vậy, ngay từ nhỏ tôi đã tìm tòi, học hỏi và lưu giữ làn điệu dân tộc bằng cách ghi chép tỉ mỉ và mở lớp truyền dạy cho các em học sinh ở các trường trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn đã quan tâm bảo tồn các di sản có nguy cơ mai một; sưu tầm, lên kế hoạch phục dựng các lễ hội, DSVH PVT đã mai một; đưa DSVH PVT vào trường học… Đơn cử như, lễ hội Ná Nhèm xã Trấn Yên (phục dựng năm 2012, được công nhận là DSVH PVT cấp quốc gia năm 2015) ngày càng được đầu tư hơn về chất lượng và quy mô; học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện duy trì thói quen mặc trang phục dân tộc vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần…
Cho du khách trải nghiệm làm ngói âm dương, gói bánh chưng đen cũng là một trong những cách mà huyện Bắc Sơn áp dụng nhằm quảng bá DSVH PVT đến bạn bè bốn phương. Anh Trần Minh Đạm, du khách huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Đến với Bắc Sơn, được ở nhà sàn truyền thống, nghe hát then, được thử cấy lúa, làm ngói, gói bánh khiến tôi cảm nhận được sâu sắc hơn về cuộc sống của người dân nơi đây. Đây là những trải nghiệm mà tôi sẽ không bao giờ quên.
Thông qua các biện pháp trên, các loại hình DSVH PVT trên địa bàn huyện đã tiếp tục được bảo lưu, trao truyền và phát huy giá trị. Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Bằng nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả trong phục dựng, bảo tồn nét đẹp trong các lễ hội truyền thống, chữ viết, tiếng nói, trang phục của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, Bắc Sơn đã trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy tốt các giá trị DSVH, đặc biệt là DSVH PVT gắn với phát triển du lịch địa phương. Qua đó, không chỉ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân mà còn góp phần tích cực vào quảng bá hình ảnh du lịch Xứ Lạng tới bạn bè bốn phương
Ý kiến ()