Thứ 4, 25/12/2024 00:59 [(GMT +7)]
Bắc Sơn: Đẩy mạnh công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Thứ 4, 31/10/2012 | 10:38:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Những năm qua, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng huyện Bắc Sơn cơ bản đã tạo sự chuyển biến tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trong chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Năm 2012, Công an huyện Bắc Sơn được chọn là 1 trong 2 đơn vị chỉ đạo điểm thực hiện Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Pháp lệnh 16) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012. Đây là bước quan trọng để Bắc Sơn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác này.
Lực lượng chức năng kiểm tra vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ do người dân giao nộp
Mặc dù ở Bắc Sơn chưa xảy ra việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, chống người thi hành công vụ, cướp tài sản, song việc người dân tộc thiểu số thường sử dụng súng tự chế để săn bắn, còn diễn biến phức tạp. Để từng bước thay đổi tập quán của người dân, đồng thời tăng hiệu lực pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Công an huyện Bắc Sơn đã lập kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, đồng bào dân tộc, phong tục tập quán địa phương. Theo đó đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân ở 20 xã, thị trấn trong toàn huyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang sử dụng trôi nổi không có giấy phép. Trọng tâm là các xã Trấn Yên, Nhất Tiến, nơi có đồng bào Mông, Dao vẫn còn giữ tập quán dùng súng tự chế để săn bắn. Từ đầu năm đến nay, công an huyện đã tuyên truyền 17 buổi lồng ghép và chuyên đề về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho trên 6.600 người dân, học sinh trên địa bàn tham dự và ký cam kết. Qua đó, đa số người dân có ý thức chấp hành việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đến nay, sau một thời gian triển khai, lực lượng chức năng đã vận động người dân giao nộp 19 khẩu súng kíp, 1 súng côn, 1 quả lựu đạn, 13 viên đạn k44 tại các xã, thị trấn.
Mặc dù không có việc buôn bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm như các địa phương khác, nhưng Bắc Sơn lại là địa bàn khó thu hồi triệt để súng tự chế. Nói về vấn đề này, Đại úy Dương Công Huynh, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Bắc Sơn cho biết, người Mông, Dao ở các xã như Trấn Yên, Nhất Tiến (xã vùng 3 của huyện) có tập quán sử dụng súng tự chế để khai thác sản vật của rừng. Súng dễ chế nên nếu có bị thu giữ người dân cũng chỉ mất 1 ngày để làm cái khác. Từ khi lực lượng chức năng tăng cường việc quản lý thì sau khi săn bắn về người dân lại cất giấu ở hốc đá, gốc cây, không mang về nhà; trong khi đó lực lượng ít mà địa bàn miền núi lại hiểm trở, rộng lớn nên rất khó cho công tác phát hiện và thu giữ.
Theo lãnh đạo Công an huyện, sau một thời gian triển khai Pháp lệnh 16, tình hình sử dụng, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có chiều hướng giảm. Những trường hợp vi phạm đều kịp thời phát hiện, vận động, giao nộp hoặc chịu hình thức xử lý nghiêm khắc. Qua đó tăng tác dụng phòng, chống các hành vi sai phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tổng điều tra, rà soát kết hợp với thống kê, phân loại và vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong dân để nâng cao tính hiệu quả của Pháp lệnh…
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()