Bắc Sơn chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
LSO – Toàn huyện Bắc Sơn hiện có 8.414 con trâu, 5.646 con bò; 31.864 con lợn; 266.323 con gia cầm. Hiện đang là thời điểm giao mùa, nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, để hạn chế thấp nhất sự phát sinh dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân, huyện Bắc Sơn đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Chị Dương Thị Yến, xã Hữu Vĩnh (Bắc Sơn) kiểm tra đàn lợn thường xuyên
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, người chăn nuôi trong huyện đã chủ động thực hiện các biện pháp như tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại… Là một trong những hộ chăn nuôi lợn của xã Hữu Vĩnh, chị Dương Thị Yến, thôn Pá Nim cho biết: để đàn lợn không bị bệnh, gia đình thực hiện nghiêm túc các biện pháp như: tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, phun tiêu độc khử trùng 1 lần/tháng. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến khu vực chăn nuôi của gia đình chị Yến với gần 10 ô chuồng thoáng mát, sạch sẽ. Gia đình chị chăn nuôi từ nhiều năm nay, mỗi lứa cũng có mấy chục con lợn thịt. Hiện, gia đình chị đang nuôi gần 30 con lợn thịt, và 2 con lợn nái. Do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn nên từ khi chăn nuôi đến nay, gia đình không có dịch bệnh lớn xảy ra, luôn cho thu nhập ổn định. Chị Yến cho biết thêm: ngoài sự chủ động của gia đình, thì Trạm Thú y huyện, thú y viên xã cũng hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng… Có thể thấy công tác phòng chống dịch bệnh không chỉ được các cấp chính quyền chú trọng, mà người nông dân không chỉ ở khu trung tâm mà ở các xã còn nhiều khó khăn, người chăn nuôi cũng ý thức một cách khá rõ về sự cần thiết phải phòng chống dịch bệnh khi chăn nuôi. Chị Lường Thị Hằng, thôn Mỏ Đẩu, xã Tân Lập cho biết: hằng năm mỗi lứa gia đình chị nuôi trên 20 con lợn thịt, theo chị Hằng thì việc tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại được gia đình luôn đặt lên hàng đầu. Vì vậy, nhiều năm nay, đàn lợn gia đình chị không xảy ra dịch bệnh.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của huyện, ông Hoàng Văn Cò, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy còn xảy ra một số bệnh như: bệnh tai xanh ở lợn xảy ra ở xã Bắc Sơn, Quỳnh Sơn (xảy ra vào tháng 5/2013); bệnh lở mồm long móng ở lợn xảy ra vào tháng 7/2013, ở các xã Đồng Ý, Vạn Thuỷ, Tân Tri nhưng do chủ động các biện pháp phòng chống từ trước nên bệnh được khống chế và xử lý kịp thời, không để phát sinh thành dịch lớn; không phát sinh bệnh cúm gia cầm. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trạm Thú y huyện đã triển khai các biện pháp như: tham mưu cho UBND huyện ra các văn bản về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tổ chức phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng, tập huấn kiến thức về chăn nuôi; phối hợp kiểm dịch vận chuyển gia súc gia cầm qua địa bàn. Theo đó, đã tổ chức tiêm phòng long móng lở mồm cho trâu, bò được 14.871 con, đạt 92,94 % kế hoạch; tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng lợn được 22.000 con, đạt 100% kế hoạch; tiêm phòng lép tô được 13.040 con lợn, đạt 130 % kế hoạch; tiêm phòng tụ huyết trùng, niu cát xơn ở gia cầm được 11.000 con, đạt 54,9% kế hoạch. Bên cạnh đó, trạm còn phối hợp kiểm dịch vận chuyển được 30.185 con gia cầm, 619 con lợn; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được 10.407 con lợn. Hiện, Trạm Thú y huyện đã và đang triển khai gần xong tiêm phòng đợt 2 cho đàn vật nuôi.
Theo khuyến cáo của Trạm Thú y huyện, thời gian tới thường xảy ra bệnh niu cát sơn trên đàn gia cầm, long móng lở mồm ở trâu bò. Vì vậy, người nông dân cần chủ động tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khi phát hiện gia súc, gia cầm có biểu hiện bệnh cần báo ngay cho ngành chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, bà con cần chú ý dự trữ thức ăn, kiểm tra lại chuồng trại để phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm trong mùa đông. Trạm Thú y huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, theo dõi địa bàn, chủ động các biện pháp để không phát sinh dịch bệnh lớn.
Bài, ảnh: Đỗ Hoạt
Ý kiến ()