Bắc Sơn: Ấm tình người - Xoa dịu nỗi đau da cam
– Chiến tranh đã lùi xa nhưng ở nhiều gia đình tại huyện Bắc Sơn thì nỗi đau vẫn đang hiện hữu vì những người con sinh ra trong thời bình nhưng vẫn phải mang trong mình nỗi đau da cam.
Được sự giới thiệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bắc Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Dương Công Luận, thôn Tân Sơn, xã Bắc Quỳnh. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết: nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1972, ông Luận lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc và tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1975, ông trở về địa phương nên duyên với bà Dương Thị Huấn. Vợ chồng ông lần lượt đón 3 người con chào đời. Niềm vui đã không được trọn vẹn khi người con thứ ba của ông bà là Dương Thị Hạp, sinh năm 1985 đau ốm triền miên, cơ thể không thể tự sản sinh ra hồng cầu nên thường xuyên phải đi bệnh viện truyền máu. Không những vậy, theo thời gian, chân, tay của Hạp cứ teo dần, đến năm 2019, Hạp đã không thể tự đi lại trên đôi chân mà phải di chuyển bằng xe lăn, mọi sinh hoạt đều do mẹ giúp đỡ. Thấy con không được khỏe mạnh, lành lặn như những đứa trẻ khác, ông Luận mới tìm hiểu và đau đớn khi biết mình bị nhiễm chất độc da cam do kẻ thù rải xuống chiến trường.
Một nạn nhân chất độc da cam ở huyện Bắc Sơn cần người thân chăm sóc
Nuốt nỗi đau vào tận sâu đáy lòng, ông vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan để làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình, động viên vợ con tích cực phát triển kinh tế. Ngoài trồng ngô, lúa, gia đình ông tập trung nuôi bò vỗ béo, trồng cây ăn quả, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Luận là một trong những nạn nhân da cam/dioxin tiêu biểu trên địa bàn huyện trong phát triển kinh tế.
Cũng giống như chị Dương Thị Hạp, anh Dương Thời Khoa, sinh năm 1975, thôn Nội Hòa, xã Bắc Quỳnh cũng là nạn nhân thế hệ thứ 2 của thảm họa da cam. Bố anh là ông Dương Thời Thiềm đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường C tỉnh Quảng Trị và bị nhiễm chất độc hóa học. Bà Dương Thị Luyện, mẹ anh Khoa buồn rầu cho biết: Từ khi sinh ra, Khoa thường xuyên đau ốm, thời gian ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Ở tuổi gần 80, lẽ ra vợ chồng tôi đã được cậy nhờ con nhưng hằng ngày, chúng tôi vẫn phải chăm con như lúc thơ dại. Lo nhất là khi chúng tôi khuất núi thì ai sẽ là người chăm sóc cho Khoa phần đời còn lại.
Hiện trên địa bàn huyện Bắc Sơn có 116 người bị nhiễm chất độc da cam và có 50 nạn nhân là thế hệ thứ 2 bị di chứng của chất độc này, trong đó có 8 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam có tỷ lệ phần trăm ở mức 1 (là mức cao nhất của đối tượng 2). Điều đáng nói là nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn.
Bà Dương Thị Thép, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Sơn đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hằng năm, UBND huyện đều phát động ủng Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam/ dioxin để hỗ trợ và thăm hỏi, tặng quà những nạn nhân da cam khó khăn nhân dịp lễ, tết, ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8. Theo đó, tất cả những nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn đều được quan tâm, hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định.
Là cơ quan thường trực, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bắc Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Hội đã phối kết hợp với các nhà hảo tâm, đơn vị thiện nguyện tiến hành bàn giao, đưa vào sử dụng 3 ngôi nhà tình nghĩa cho các nạn nhân tại các xã, thị trấn; trao quà cho 629 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị trên 300 triệu đồng… Ngoài ra, các cấp hội luôn quan tâm đến công tác chính sách đối với hội viên, nạn nhân bằng các hoạt động phối hợp, theo dõi, nắm bắt việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với nạn nhân kịp thời, đầy đủ.
Với sự chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn huyện Bắc Sơn hôm nay dẫu hằng ngày vẫn đang đối diện với nỗi đau nhưng trong cuộc sống song đã được sẻ chia bằng những việc làm thiết thực, bằng tình người ấm áp, góp phần xoa dịu nỗi đau
Ý kiến ()