Bác sĩ quân y nơi đảo xa
- Giữa hải đảo xa xôi, kíp y bác sĩ Bệnh viện Quân y 110 (Cục Hậu cần, Quân khu 1) đang công tác tại Bệnh xá Đảo Sơn Ca, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Quân chủng Hải Quân không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, hết lòng chăm lo sức khỏe cho quân và dân trên đảo; góp phần làm điểm tựa cho ngư dân ra khơi, bám biển; cán bộ, chiến sĩ đơn vị chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Kíp y, bác sĩ Bệnh xá Đảo Sơn Ca cấp cứu ngư dân gặp nạn
Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay thật đặc biệt đối với Thiếu tá Phạm Đình Quỳnh, Bác sĩ Khoa Gây mê phẫu thuật và các y sĩ trong kíp bác sĩ đảo của Bệnh viện Quân y 110 đang công tác tại Bệnh xá Đảo Sơn Ca, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Quân chủng Hải Quân.
Thiếu tá, Bác sĩ Phạm Đình Quỳnh, Bệnh xá trưởng Đảo Sơn Ca chia sẻ: “Một ngày trên đảo thường bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn so với đất liền nhưng mỗi ngày trôi qua, trời yên, biển lặng, quân và dân trên đảo bình an là điều quý giá nhất, chúng tôi không mong mỏi gì hơn. Đặc biệt, chúng tôi luôn được sự tin tưởng, yêu mến của tất cả mọi người, đó chính là những món quà vô giá, động lực để chúng tôi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Tìm hiểu về đời sống, công việc của các y, bác sĩ Bệnh xá Đảo Sơn Ca, chúng tôi được biết, những khó khăn không chỉ là xa nhà, xa vợ con và những thiếu thốn trong sinh hoạt hằng ngày mà khó khăn nhất đối với các bác sĩ nơi đảo xa đó là thiếu thốn cả về quân số lẫn thuốc men, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám, chữa và điều trị cho người bệnh. Bệnh xá giống như một bệnh viện thu nhỏ nhưng chỉ có 4 y, bác sĩ, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho hơn 400 quân và dân trên đảo. Đó là chưa kể đến các ngư dân ra khơi ở những khu vực lân cận. Vì vậy các y, bác sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió đều phải đảm nhiệm rất nhiều chuyên môn, lĩnh vực. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, họ vừa phải luôn tự học, trau dồi nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, vừa phải độc lập, quyết đoán trong mọi tình huống.
Bác sĩ Phạm Đình Quỳnh cho biết thêm: “Các trang thiết bị, vật tư y tế không những thiếu thốn mà còn rất dễ hư hỏng bởi điều kiện môi trường biển đảo; trong khi đó những bệnh nhân khi được đưa đến bệnh xá, có rất nhiều ca bệnh nặng và phức tạp. Nếu như ở các bệnh viện trong đất liền, với bệnh nhân nặng, các bệnh viện tuyến dưới có thể nhanh chóng chuyển lên tuyến trên, bệnh viện đa khoa có thể chuyển qua chuyên khoa sâu hơn, thì ở trên đảo, các y bác sĩ bằng mọi cách phải cứu sống bệnh nhân, trước khi chuyển vào đất liền điều trị”.
Như trường hợp bệnh nhân Phan Văn Hải (sinh năm 1975) quê Lệ Thủy, Quảng Bình, anh được đưa đến bệnh xá trong tình trạng viêm vỡ ruột thừa ngày thứ 2 cần phải phẫu thuật gấp. Để chuyển đến bệnh viện ở đảo gần nhất cũng mất gần một ngày, trong khi đó trời đang giông bão, sóng lớn. Kíp y, bác sĩ đã quyết định phẫu thuật ngay tại bệnh xá. Với kiến thức, kinh nghiệm và tinh thần hết lòng vì người bệnh, ca phẫu thuật đã thành công, giữ lại mạng sống cho bệnh nhân. Đến nay bệnh nhân Hải đã bình phục và tiếp tục công tác tốt trên đảo.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tuy mới tiếp nhận Bệnh xá Đảo Sơn Ca từ tháng 8/2023 tới nay nhưng kíp y, các sĩ Bệnh viện Quân y 110 đã cấp cứu thành công 19 trường hợp; chữa trị nhiều ca bệnh nặng như: phẫu thuật cắt ruột thừa viêm; khâu nối gân, cơ; phẫu thuật tháo khớp, kết xương cho ngư dân tai nạn trên biển và cấp cứu nhiều ca bệnh nặng khác; đồng thời còn tích cực làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, an toàn thực phẩm và phòng chống say nắng, say nóng cho quân và dân trên đảo.
Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả song với trách nhiệm cao cả, những y, bác sĩ mang áo lính đang công tác trên Đảo Sơn Ca vẫn luôn làm tốt công tác chuyên môn, làm điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên đảo; cũng như tiếp thêm động lực để ngư dân vươn khơi, khai thác nguồn lợi hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ý kiến ()