Bắc Ninh: Xử lý hơn 70 vụ vi phạm quy định trong kinh doanh
Trong quý 1 năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra 85 vụ việc liên quan đến kinh doanh thương mại, xử lý 71 vụ, tổng tiền thu, phạt 3,46 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, quý 1 năm 2023, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý 71 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với tổng số tiền thu, phạt gần 3,5 tỷ đồng.
Trong quý 1 năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra 85 vụ việc liên quan đến kinh doanh thương mại, xử lý 71 vụ, tổng tiền thu, phạt 3,46 tỷ đồng; trong đó, phạt vi phạm hành chính hơn 1,1 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu gần 500 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy gần 1 tỷ đồng và hàng tồn kho chưa bán gần 900 triệu đồng.
Trong đó số 71 vụ việc bị xử lý có 1 hành vi vi phạm về hàng cấm; 35 hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; 5 hành vi vi phạm về hàng giả; 3 hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; 16 hành vi vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp; 5 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng; 2 hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cục Quản lý thị trường tiến hành lập biên bản phạt hành chính các trường hợp vi phạm với tổng số tiền thu, phạt gần 3,5 tỷ đồng.
Điển hình, ngày 20/2, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh) đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh quần áo của bà Nguyễn Thị Lệ Thương, thôn Phong Xá, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh đang bày bán 3.000 chiếc áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci, Chanel. Bà Thương chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xác minh, làm rõ.
Ngày 20/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 52,500 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Lệ Thương và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên….
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ… với 229 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, dự báo hình thức kinh doanh thương mại điện tử được lựa chọn nhiều hơn dẫn đến khó khăn trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường.
Hành vi vận chuyển, buôn bán hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác còn diễn biến hết sức phức tạp, nhiệm vụ đấu tranh chống buôn bán hàng lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết và cấp bách.
Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt, đánh giá thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái pháp luật, sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… đối với các mặt hàng như: rượu, bia, nước giải khát; thực phẩm tươi sống, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo…
Qua đó, góp phần đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bac-ninh-xu-ly-hon-70-vu-vi-pham-quy-dinh-trong-kinh-doanh/855433.vnp
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()