Bắc Ninh - vùng "đất lành" đối với các nhà đầu tư
Nhà máy Tenma Quế Võ, Bắc Ninh tạo việc làm cho hơn 1.700 công nhân. Ngày nay, bên cạnh những làn điệu dân ca quan họ, tỉnh Bắc Ninh còn có nhiều thế mạnh về kinh tế-xã hội. "Vùng Kinh Bắc" đang được coi là điểm sáng về phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đang nỗ lực phấn đấu tới mục tiêu "cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015". Đó là niềm tự hào và cũng là thách thức đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh.Thăm Bắc Ninh vào những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự "thay da, đổi thịt", sự phát triển vượt bậc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thành phố Bắc Ninh, thủ phủ của tỉnh Bắc Ninh ngày nay đã mang dáng dấp của một trung tâm đô thị hiện đại ở cửa ngõ phía đông - bắc của Thủ đô Hà Nội. Những đường phố rộng rãi, khang trang với những hàng cây xanh mướt, những tòa nhà bề thế với...
Nhà máy Tenma Quế Võ, Bắc Ninh tạo việc làm cho hơn 1.700 công nhân. |
Thăm Bắc Ninh vào những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt”, sự phát triển vượt bậc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thành phố Bắc Ninh, thủ phủ của tỉnh Bắc Ninh ngày nay đã mang dáng dấp của một trung tâm đô thị hiện đại ở cửa ngõ phía đông – bắc của Thủ đô Hà Nội. Những đường phố rộng rãi, khang trang với những hàng cây xanh mướt, những tòa nhà bề thế với lối kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống dân tộc… đã tô điểm cho TP Bắc Ninh một vẻ đẹp trẻ trung, tươi tắn, đầy sức sống như những chàng trai, cô gái đang tuổi xuân thì. Nhưng điều ấn tượng hơn cả đối với chúng tôi là hình ảnh hàng loạt khu công nghiệp hiện đại mọc lên san sát, dọc hai bên các tuyến quốc lộ 1 và 18 chạy qua địa bàn tỉnh. Nhiều nhà máy, xí nghiệp mang tên
Canon, Samsung Electronics, Sumitomo Electric, Emtech…, cùng các công ty dịch vụ đã được xây dựng tại các khu công nghiệp này và đi vào sản xuất. Những bãi xe nối tiếp nhau đầy ắp xe máy của công nhân cho thấy những nhà máy này đang hoạt động với công suất cao và tạo ra công ăn, việc làm cho hàng chục nghìn lao động…
Chính sách và quy hoạch
Để hình thành được những khu công nghiệp (KCN) hiện đại với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn nổi tiếng khu vực và thế giới vào đầu tư tại tỉnh, ngoài những mặt thuận lợi về vị trí địa lý, như nằm cạnh Thủ đô Hà Nội, gần các cảng biển và hàng không, lại có các tuyến đường giao thông đường bộ, đường thủy thuận tiện… còn có sự nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp và người dân Bắc Ninh. Trong đó, có thể thấy ngoài việc sớm đề ra chính sách và tích cực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, ban, ngành hữu quan của tỉnh đã làm rất tốt công tác quy hoạch, phát triển khu và cụm công nghiệp. Theo đó, các khu và cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh được đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là nơi có cơ sở hạ tầng toàn diện với đầy đủ cơ sở vật chất và dịch vụ thiết yếu, góp phần giúp các nhà đầu tư xây dựng một môi trường làm việc thuận lợi cho hàng nghìn lao động ở mỗi nhà máy.
Nếu năm 1997, khi mới tái lập tỉnh, Bắc Ninh mới chỉ có bốn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 177,5 triệu USD, thì đến nay, các KCN của Bắc Ninh đã thu hút được 272 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,7 tỷ USD. Trong đó, nhiều tập đoàn có danh tiếng trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, viễn thông như Canon, Sumitomo của Nhật Bản; Samsung, Orion của Hàn Quốc; Tyco Electronic của Mỹ; ABB của Thụy Điển; Nokia của Phần Lan… đã triển khai hoạt động tại các KCN này. Cũng tại các KCN này còn có 254 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn một tỷ USD. Với những bước phát triển nhanh chóng kể trên, Bắc Ninh đang đi đầu trong việc hình thành một khu công nghệ cao về điện tử và viễn thông ở khu vực miền bắc nước ta.
Kết quả và định hướng phát triển
Giới thiệu với chúng tôi về hoạt động của các KCN ở Bắc Ninh và định hướng phát triển đến năm 2020, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phấn khởi cho biết, đến nay tỉnh Bắc Ninh có 15 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 7.681 ha. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, tổng vốn đầu tư 865 triệu USD, trong đó có chín KCN đã được lấp đầy và hoạt động hiệu quả với vốn đầu tư hạ tầng đăng ký 516,37 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện 184,51 triệu USD và cho thuê 1.217,67 ha đất công nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp FDI hoạt động ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng cao, tạo việc làm và thu nhập xứng đáng cho hơn 83 nghìn lao động. Số doanh nghiệp khu vực FDI chỉ chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng đã tạo việc làm cho hơn 30% tổng số lao động toàn tỉnh. Trong đó, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp khu vực FDI đạt hơn 5,7 tỷ USD, chiếm hơn 97,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh lên thứ sáu trong toàn quốc. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp khu vực FDI trong cơ cấu GDP của tỉnh cũng tăng đều và chiếm 73,4% GDP toàn tỉnh trong năm 2011, đạt 45.886 tỷ đồng, nộp ngân sách 690 tỷ đồng, chiếm 10,14% tổng thu ngân sách của cả tỉnh. Mặt khác, tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong cuộc sống cho người lao động. Theo đó, năm 2011, tại các KCN đã có sáu tòa nhà cao tầng được đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 28 nghìn lao động, đáp ứng 25% nhu cầu về chỗ ở của công nhân.
Đánh giá về những kết quả đạt được nói trên, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến khẳng định, việc Bắc Ninh thu được những thành quả quan trọng bước đầu này trước hết là nhờ việc quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và các cấp ủy, trong đó có Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy và nhờ sự đồng lòng, đồng sức của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cũng như sự ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Trong đó, việc Bắc Ninh lựa chọn con đường thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) là hướng đi đúng. Kết quả bước đầu cho thấy, quá trình tiến hành CNH, HĐH ở tỉnh Bắc Ninh đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời kéo theo và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực dịch vụ và đô thị hóa.
Về phương hướng phát triển các KCN ở Bắc Ninh trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 việc thu hút nguồn vốn FDI vẫn giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, định hướng cho giai đoạn này là những dự án lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường. Hiện hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá rất cao tiềm năng và môi trường đầu tư ở Bắc Ninh. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh cũng như tạo ra giá trị công nghiệp cao. Một kết quả đáng phấn khởi là mới đây Tập đoàn Nokia của Phần Lan đã quyết định đầu tư dự án trị giá 280 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Phù Chẩn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Trong giai đoạn này, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu; tạo việc làm cho người lao động; phát triển công nghiệp phụ trợ; các dự án sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh; các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng; tạo điều kiện để một số tập đoàn đa quốc gia xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh Bắc Ninh sẽ không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi đối với những dự án đầu tư vào ngành công nghệ cao, hiện đại, tỷ lệ nội địa hóa cao và mang lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.
Bước vào khuôn viên của Nhà máy Tenma tại KCN Quế Võ, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy đây là một nhà máy hiện đại tương tự những nhà máy mà chúng tôi từng có dịp được thăm trước đây ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Kát-su-hi-rô Den-kê, Tổng Giám đốc Nhà máy Tenma Quế Võ, trong bộ đồng phục mầu xanh da trời như các công nhân cho biết, nhà máy nằm trên diện tích hơn 51.000 m2, có vốn đầu tư 15 triệu USD, đi vào hoạt động từ năm 2008, chuyên sản xuất các sản phẩm bằng nhựa là thiết bị phụ trợ cung cấp cho các nhà máy của Tập đoàn Canon đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có nhà máy ở ngay trong KCN Quế Võ và các nhà máy khác ở nước ngoài. Hiện, Nhà máy Tenma Quế Võ đang hoạt động 100% công suất với hơn 1.700 công nhân làm việc. Sản phẩm nhựa của Tenma là những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, tủ sách, tủ quần áo, những chi tiết để lắp thành máy in, máy sao chụp, máy vi-tính, xe hơi… Lương trung bình của công nhân Tenma Quế Võ hiện ở mức 2,7 triệu đồng/tháng/người và mức cao nhất là 3,7 triệu đồng/tháng/người. Ông Kát-su-hi-rô Den-kê tỏ ý hài lòng với hoạt động của Nhà máy Tenma Quế Võ và cho biết, ông có ấn tượng rất sâu sắc trước khả năng nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật sản xuất cũng như đức tính cần cù lao động của công nhân Việt Nam. Sắp tới, Tenma có kế hoạch mở thêm các nhà máy mới ở Việt Nam và tới đây Nhà máy Tenma Quế Võ còn cung cấp sản phẩm theo đơn đặt hàng của hai công ty Nhật Bản mới xây dựng ở Hải Phòng.
Sau 15 năm trở lại thăm Bắc Ninh trong thời gian ngắn ngủi, nhưng khung cảnh và tình người Bắc Ninh làm giây phút chia tay của chúng tôi đầy lưu luyến, bịn rịn… Những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, say đắm lòng người “… người ơi, người ở đừng về…” như níu kéo bước chân, làm chúng tôi thật khó rời mảnh đất thấm đẫm nét văn hóa dân tộc đặc sắc và đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ CNH và HĐH này. Tạm biệt Bắc Ninh trong niềm tin rằng, với quyết tâm và nỗ lực không ngừng của mình, Bắc Ninh ngày càng “làm ăn” phát đạt, trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.
Các khu công nghiệp của Bắc Ninh
Khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh là KCN Tiên Sơn được khởi công xây dựng tháng 12-2000. Đến nay, tại tỉnh đã có 15 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chín KCN đã đi vào hoạt động. Sáu KCN còn lại đang làm thủ tục để xây dựng.
– Các KCN đang hoạt động gồm: Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành III; Quế Võ II; Đại Đồng – Hoàn Sơn; Nam Sơn – Hạp Lĩnh; KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP-Bắc Ninh; Hanaka. Các KCN này có các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như: hệ thống giao thông; chiếu sáng; trạm cấp nước sạch; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thoát nước thải; trạm xử lý nước thải…
– Bốn KCN đang tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: Quế Võ III; Gia Bình; Thuận Thành II; Yên Phong II.
– Hai KCN sẽ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: KCN Từ Sơn; KCN Đô thị và Dịch vụ Đại Kim.
Theo Nhandan
Ý kiến ()