Bắc Ninh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền công nghiệp. Xác định được điều này, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung phát triển CNHT và coi đây là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp của địa phương này.
Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền công nghiệp. Xác định được điều này, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung phát triển CNHT và coi đây là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp của địa phương này.
Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P) |
CNHT vẫn còn nhỏ bé so với tiềm năng phát triển
Công nghiệp Bắc Ninh trong những năm qua luôn duy trì sự phát triển với tốc độ cao. Tuy nhiên, sự phát triển đó chủ yếu từ khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo báo cáo của Sở Công thương Bắc Ninh, năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI chiếm tới 83,7% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh và chiếm 47,5% tổng sản xuất xã hội toàn tỉnh (theo giá thực tế). Giá trị xuất khẩu chủ yếu là từ doanh nghiệp FDI (chiếm trên 90%) các sản phẩm có giá trị thương hiệu toàn cầu đã có mặt tại Bắc Ninh như: Samsung, Canon, ABB, Nokia, Foxcon…
Tuy nhiên, tốc độ tăng giá trị gia tăng khu vực FDI thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá trị sản xuất trong khu vực này. Điều này thể hiện chi phí trung gian của khu vực kinh tế FDI là khá cao, nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do trong sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh tại Bắc Ninh, các nhà đầu tư FDI nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và bán sản phẩm từ nước ngoài khiến chi phí đầu vào tăng cao.
Mặc dù các doanh nghiệp FDI đã cam kết sẽ nội địa hóa từ 30-50% sản phẩm, song hiện nay điều này khó thực hiện được. Nguyên nhân chính là do ngành CNHT của Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung còn nhỏ bé, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, riêng rẽ, chưa có sự liên kết, công nghệ thấp, nguồn lực về tài chính, vốn, lao động còn nhiều bất cập, hạn chế. Điều này gây khó khăn cho không chỉ doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ kiện, bán sản phẩm mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Một ví dụ minh chứng là sản phẩm điện tử tại Việt Nam đã xuất khẩu đi gần 50 quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Năm 2012 xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử đã đạt 18 tỷ USD, trong đó tại Bắc Ninh là 13,7 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu của công nghiệp điện tử Bắc Ninh đã đạt 14 tỷ USD, tuy nhiên 90% trong số này do khối doanh nghiệp FDI thực hiện, các doanh nghiệp điện tử nội địa chỉ lắp ráp một số sản phẩm đơn giản (như tivi, nồi cơm điện…) và gần như nhập khẩu toàn bộ linh kiện trong khi đó nhiều sản phẩm điện tử nhập nguyên chiếc có giá còn rẻ hơn hàng lắp ráp trong nước.
Hiện nay nhiều tập đoàn nổi tiếng như Samsung, Canon đã đầu tư vào Bắc Ninh với qui mô dự án lớn (Tập đoàn Samsung là 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh và 2 tỷ USD tại Thái Nguyên). Đây là dự án có qui mô lớn, có sức lan tỏa để ngành công nghiệp điện tử Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển. Chỉ nói riêng nhà máy điện thoại di động của Samsung Bắc Ninh đã cần đến 200 nhà cung cấp trong đó cần khoảng 50 nhà cung cấp nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa hầu như chỉ cung cấp những vật tư, linh kiện đơn giản.
Và vấn đề đặt ra…
Có thể thấy, phát triển CNHT của Bắc Ninh mặc dù đã có sự chủ động, nhưng vẫn còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Ninh xác định việc phát triển CNHT có vai trò rất quan trọng và cấp thiết nhằm tạo ra các sản phẩm công nghiệp đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm công nghiệp toàn cầu.
Xác định được tầm quan trong đó, tỉnh Bắc Ninh đã đề ra được hướng phát triển CNHT. Theo đó, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực ngành CNHT trên cơ sở thu hút tối đa các nguồn lực vốn đầu tư trong và ngoài nước để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh một cách bền vững gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, phát triển CNHT phải được tiến hành trên cơ sở chọn lọc, dựa trên tiềm năng, thế mạnh các ngành công nghiệp của tỉnh với công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao. Trước mắt tỉnh Bắc Ninh xác định gắn với mục tiêu nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực, lâu dài cần phấn đấu CNHT của tỉnh thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất trong nước và quốc tế tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời, phát triển CNHT trên cơ sở phát huy và tăng cường tối đa năng lực đầu tư của các công ty, tập đoàn lớn, đa quốc gia nhằm tranh thủ khả năng về vốn, trình độ công nghệ tiên tiến, tiến tới nhận chuyển giao công nghệ cao, công nghệ nguồn cho năng lực nội sinh của tỉnh. Đặc biệt, Bắc Ninh sẽ tập trung phát triển ngành CNHT một số lĩnh vực mũi nhọn là điện, điện tử và hóa dược phẩm.
Trợ giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT
Để có thể thực hiện được những định hướng đặt ra, tỉnh Bắc Ninh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển ngành CNHT. Theo đó, tỉnh đã đưa ra giải pháp xây dựng quy định, trình tự, thủ tục, hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp về cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT hoạt động và phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng hệ thống chất lượng liên quan đến linh kiện, phụ kiện trên qui mô tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia có tại Bắc Ninh. Thực hiện có hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính theo quy trình một cửa liên thông, thực hiện tất cả các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đáng chú ý, Bắc Ninh cũng đặt ra giải pháp thông qua chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT. Trong đó, tỉnh sẽ phổ biến công nghệ, kỹ thuật sản xuất các sản phẩm CNHT cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, đa dạng hóa các loại hình hợp tác để tranh thủ tối đa sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ các đối tác; trong hợp tác sản xuất, kinh doanh cần đặc biệt coi trọng yếu tổ chuyển giao công nghệ, coi đây là yếu tổ để quyết định đầu tư dự án.
Trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT từng bước phát triển, chế tạo các linh kiện, phụ tùng, phụ kiện làm cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Nokia…
Bắc Ninh cũng đặt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống trong quản lý, sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất, tập trung các ngành nghề ưu tiên như điện, điện tử, tin học, hóa dược phẩm.
Xây dựng, quy hoạch, thành lập khu, cụm CNHT với đặc thù riêng nơi các doanh nghiệp CNHT có thể hưởng các ưu đãi và hỗ trợ theo qui định của Chính phủ. Khuyến khích xây dựng hệ thống nhà xưởng đã hoàn thiện theo mô hình các doanh nghiệp FDI thuê tại Bắc Ninh để kêu gọi các doanh nghiệp FDI vào đầu tư sản xuất.
Ưu đãi cao theo qui định cho các doanh nghiệp FDI có dự án chuyển giao công nghệ và có cam kết tài trợ cho doanh nghiệp nội địa trong tỉnh phát triển CNHT dành cho nhu cầu nội địa với tỉ trọng sử dụng đầu vào nội địa cao, từ đó sẽ có sức lan tỏa đến doanh nghiệp trong nước khi trở thành nhà cung ứng cho DN nước ngoài.
Có thể nói, CNHT là công cụ quyết định giảm nhập siêu, sử dụng nhiều công nghệ, ít hao tốn tài nguyên, dễ sử dụng các biện pháp thân thiện môi trường, là cơ hội tái cơ cấu nền công nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh Bắc Ninh xác định năm 2015 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu trên, việc đặt nền móng vững chắc cho ngành CNHT là việc làm cấp thiết đang đặt ra đối với tỉnh Bắc Ninh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()