Bắc Ninh tập trung điều chỉnh chính sách thu hút FDI
Thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, những năm gần đây Bắc Ninh đã thu hút có hiệu quả dòng vốn FDI. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng giúp kinh tế của tỉnh tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện, Bắc Ninh đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu “cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015”.
Thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, những năm gần đây Bắc Ninh đã thu hút có hiệu quả dòng vốn FDI. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng giúp kinh tế của tỉnh tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện, Bắc Ninh đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu “cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015”.
Top đầu về thu hút FDI
Theo số liệu của UBND tỉnh Bắc Ninh, dòng vốn FDI vào địa phương liên tục tăng qua các năm. Nếu như tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, tỉnh chỉ có 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 177,58 triệu USD, thì đến năm 2012 đã có 357 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 4 tỉ USD. Nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lớn trên thế giới đã tiến hành đầu tư tại tỉnh như Samsung, Nokia, Hồng Hải, Canon, Pepsi Co,… Tuy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng 6 tháng đầu năm 2013 (tính đến ngày 20/6), hoạt động thu hút FDI vẫn đạt kết quả khả quan, với 45 dự án được cấp phép mới, số vốn đăng ký đạt 274,9 triệu USD. Kết quả này đã đưa Bắc Ninh đứng thứ 5 trong cả nước về thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm.
Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh (Nguồn: vtv.vn) |
Những vấn đề cần khắc phục
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực kể trên, hoạt động đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh còn bộc lộ những mặt hạn chế. Nhiều dự án lớn sử dụng nhiều đất, nhiều lao động nhưng đóng góp vào ngân sách của tỉnh rất hạn chế. Do nền công nghiệp phụ trợ của tỉnh còn yếu, vì vậy đa số các dự án FDI thuộc lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh đều phải nhập khẩu linh phụ kiện, thiết bị để lắp ráp, giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp và chủ yếu xuất phát từ nguồn nhân công giá thấp. Hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra chậm và chưa rõ nét. Nhiều dự án hoạt động không hiệu quả đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến sức thu hút và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn còn diễn ra gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư. Đã xuất hiện nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số dự án. Một số dự án đầu tư trong nước chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã cam kết, hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Một số tác động lan tỏa khác như gia tăng cạnh tranh, thúc đẩy cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, hay việc hình thành chuỗi cung ứng và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế.
Chất lượng dòng vốn đầu tư vào tỉnh chưa cao và bộc lộ một số mặt tiêu cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là những bất cập trong hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư còn chồng chéo, thay đổi nhanh, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán. Việc thu hút FDI trong những năm qua còn chạy theo lượng vốn đăng ký, chưa chú trọng đến việc thu hút có chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn đầu tư. Thứ hai là công tác phối hợp giữa các sở, ngành ở địa phương và giữa địa phương với Trung ương trong công tác quản lý nhà nước về FDI trong thời gian qua vẫn còn chưa được chặt chẽ. Công tác hậu kiểm dự án đầu tư chưa được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó còn có một vài nguyên nhân cơ bản khác như hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là hệ thống cấp điện, nước, hệ thống đường giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp. Sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh còn rất hạn chế dẫn tới chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu và linh kiện đầu vào cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI, do đó các dự án FDI đều phải nhập khẩu phần lớn các linh phụ kiện đầu vào làm tăng chi phí, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài; công tác xúc tiến đầu tư chưa đạt hiệu quả như mong đợi…
Điều chỉnh chính sách thu hút FDI
Từ thực trạng đó, Bắc Ninh đã có những động thái điều chỉnh về chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh với mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn, nhằm phát huy hiệu quả đóng góp đối với nền kinh tế của tỉnh. Việc điều chỉnh chính sách thu hút của Bắc Ninh nằm trong khuôn khổ chỉ đạo về chính sách của Chính phủ. Với mục tiêu đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao của cả nước, tỉnh Bắc Ninh xác định tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh theo định hướng chọn lọc. Theo đó, địa phương tập trung lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư, xây dựng danh mục lĩnh vực hạn chế đầu tư nhằm nâng cao chất lượng của dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện của các dự án đầu tư.
Hiện, Bắc Ninh đang tập trung ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, tạo điều kiện tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Tập trung thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên tinh thần khuyến khích tỷ lệ nội địa hoá cao, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, công nghệ thông tin; dịch vụ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kết cấu hạ tầng. Thu hút có chọn lọc công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, luyện kim, hoá chất. Ưu tiên phát triển các dự án có sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tập trung triển khai nhiều giải pháp
Để thực hiện có hiệu quả sự điều chỉnh trên, Bắc Ninh đang tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp, đó là: lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI theo định hướng “sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai”, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp điện tử với các sản phẩm chủ lực như điện thoại di động, máy tính bảng, máy chủ (server), máy tính xách tay, máy tính để bàn. Các linh kiện thiết bị máy tính như thẻ nhớ, bộ nhớ trong, bộ nhớ ngoài, bộ nhớ đệm, bộ xử lý trung tâm (chip máy tính), các loại bảng mạch máy tính; máy ảnh, máy quay camera, linh kiện máy ảnh, máy quay camera; các sản phẩm điện tử văn phòng; các sản phẩm điện tử gia dụng cao cấp. Đồng thời, tập trung thu hút FDI vào công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp điện tử và công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp năng lượng sạch như sản xuất điện từ rác thải, năng lượng mặt trời…
Triển khai thực hiện cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh. Cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi bao gồm: Hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; khuyến khích các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng sẵn các nhà xưởng tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án; hỗ trợ nhà đầu tư cung ứng và đào tạo lao động. Đối với các dự án có quy mô lớn (vốn đầu tư từ 1.500 tỷ trở lên), sử dụng công nghệ cao, ngoài các ưu đãi theo quy định chung của Chính phủ, nhà đầu tư được UBND tỉnh xem xét hỗ trợ xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng danh mục các lĩnh vực hạn chế thu hút đầu tư và thực hiện áp dụng hàng rào kỹ thuật (điều kiện) đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực hạn chế đầu tư.
Tiếp tục khuyến khích đầu tư theo hình thức BT, BOT nhằm đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động và nâng tỷ trọng của vốn FDI vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, nước). Tỉnh cũng chú trọng chỉ đạo nghiên cứu và triển khai mô hình đầu tư hợp tác công – tư (PPP) theo Quyết định số 71/2010 ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu như sự phù hợp của lĩnh vực đầu tư đối với hệ thống quy hoạch của địa phương, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành; hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án phải bằng hoặc cao hơn hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, công nghệ sử dụng trong dự án phải là công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường…. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư sau cấp phép, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án đầu tư; tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện;
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ theo định hướng tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép đầu tư. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, xây dựng, thúc đẩy nhanh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở nhóm dẫn đầu…
Theo CPV
Ý kiến ()