Bắc Ninh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Sản xuất tía tô xanh xuất khẩu tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Dabaco, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh tập trung khai thác lợi thế tự nhiên, triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong toàn tỉnh. Từ chủ trương và chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều mô hình trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện và phát triển nhanh, từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho giá trị kinh tế cao. |
Hiện toàn tỉnh có 248 trang trại với tổng diện tích gần 1.000 ha, tăng 3,9 lần so năm 2011, tập trung chủ yếu ở các huyện: Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và Tiên Du. Trong đó, 198 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có diện tích từ 2,1 ha trở lên, giá trị hàng hóa đạt từ 700 triệu đồng/năm trở lên). Theo thống kê, 248 trang trại trên địa bàn tỉnh đang tạo việc làm cho khoảng 3.600 lao động, thu nhập trung bình của một trang trại đạt hơn 1,8 tỷ đồng/năm. Những hiệu quả trong phát triển kinh tế trang trại đã trực tiếp góp phần vào quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất, gắn với tiến trình phân công lao động nông thôn. Tại nhiều địa phương xuất hiện các mô hình hợp tác xã trên cơ sở sự liên kết các trang trại, qua đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ðiển hình là một số hợp tác xã như: Măng tây xanh Thái Bảo, Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng (Gia Bình); VAC Xuân Hòa (Quế Võ)… Ðiểm nổi bật trong phát triển trang trại của tỉnh Bắc Ninh là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp dần được phổ biến. Hiện, toàn tỉnh có 148 trang trại VAC ứng dụng công nghệ cao, chiếm 60% tổng số trang trại. Ðể hỗ trợ phát triển trang trại, những năm qua tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện, cấp – thoát nước, xử lý chất thải, cải tạo đồng ruộng) cho các hộ dân và các chủ trang trại thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ kinh phí cho các trang trại và hộ dân xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh thông qua chương trình “mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm”. * Tỉnh Trà Vinh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung cải cách hành chính, như cải cách về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh từ tháng 4-2018, bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trung tâm hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa tập trung đối với 110 lĩnh vực với hơn 1.300 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 14 sở, ban, ngành trong tỉnh. Ðối với cải cách thủ tục hành chính, Trà Vinh đẩy mạnh công tác rà soát, cập nhật các quy định về thủ tục, kịp thời bãi bỏ, công bố mới thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Tỉnh cũng tập trung các biện pháp rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan hoàn thiện cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh bảo đảm thống nhất, đồng bộ, thuận tiện, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Ðể cải cách thể chế, tỉnh nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn; đồng thời, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới, phục vụ cho yêu cầu quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Với cải cách tổ chức bộ máy, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết của T.Ư về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập… Tỉnh tiếp tục rà soát việc quản lý, sử dụng biên chế hành chính sự nghiệp của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế… hiệu quả đúng quy định và lộ trình. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()