Bắc Ninh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn trong nước nhưng một năm qua, tỉnh Bắc Ninh vẫn thu hút được lượng vốn đầu tư lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, vốn FDI luôn chiếm ưu thế, đem lại tiền đề quan trọng để Bắc Ninh bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững.
Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn trong nước nhưng một năm qua, tỉnh Bắc Ninh vẫn thu hút được lượng vốn đầu tư lớn để phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, vốn FDI luôn chiếm ưu thế, đem lại tiền đề quan trọng để Bắc Ninh bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tạo sức hút các nhà đầu tư
Sau hơn 15 năm tái lập, tỉnh Bắc Ninh đã từng bước tiến dần trên con đường CNH, HÐH. Năm 2012, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,3%, xếp thứ hai trong khu vực đồng bằng sông Hồng và thứ chín trong cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 77,82% cơ cấu GDP, đạt mức tăng trưởng 17,9%. Ðiều này cho thấy chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh của tỉnh đối với các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng đã phát huy hiệu quả. Ðến thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp (KCN) của Bắc Ninh thu hút tổng cộng 363 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,4 tỷ USD. Trong số 24 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Bắc Ninh thì Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có nhiều dự án nhất, với gần 200 dự án. Các lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu vào: điện, điện tử viễn thông, linh kiện điện tử, dược phẩm…
Những thành công mà Bắc Ninh đạt được trong thời gian qua trước hết là nhờ sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tập trung giải quyết các vướng mắc, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, đem lại lợi thế cạnh tranh. Các cấp, các ngành đã xác định, muốn thu hút được các nhà đầu tư trước hết phải tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn. Các KCN được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, các hệ thống đường giao thông trong KCN, cấp nước sạch, xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn, các dịch vụ viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm… cũng được đưa vào KCN. Một số KCN đã gắn việc đầu tư hạ tầng với xây dựng nhà ở cho người lao động, khu đô thị, khu vui chơi giải trí… Cùng với đó là sự thông thoáng, nhanh gọn trong giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ DN về thông tin, thị trường, làm tốt công tác an ninh – trật tự, liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề. Chính nhờ những chính sách tốt, chuẩn bị chu đáo về hạ tầng cùng với sự năng động của lãnh đạo tỉnh đã tạo sức hút đối với các tập đoàn lớn như: Samsung, Nokia, Canon, Pepsi…
Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Sim Uôn Hoan cho biết: Năm 2012 công ty đạt doanh thu 13 tỷ USD, thành công đó là nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm giải quyết kịp thời những vướng mắc của DN về thủ tục pháp lý, lao động, an ninh – trật tự. Năm 2013, trong tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn nhưng công ty phấn đấu đạt doanh thu 16 tỷ USD.
Công ty Canon sau khi đầu tư vào KCN Thăng Long (Hà Nội) đạt được nhiều thành công cũng đã xây dựng tiếp hai nhà máy sản xuất tại KCN Quế Võ và Tiên Sơn (Bắc Ninh). Tổng Giám đốc Canon Việt Nam Cát-xư-ô-xi Xô-ma cho biết: Bắc Ninh là tỉnh có nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư, các cấp, các ngành của tỉnh luôn đồng hành cùng DN giải quyết vướng mắc, nhất là việc thực hiện nhanh chóng các thủ tục đầu tư mà DN nước ngoài gặp phải. Ðây cũng là yếu tố để Canon lựa chọn Bắc Ninh đầu tư mở rộng sản xuất.
Trong thành công thu hút FDI phải ghi nhận vai trò của Ban quản lý (BQL) các KCN tỉnh, thường xuyên phối hợp chặt chẽ các DN trong quá trình triển khai đầu tư, từ cấp phép, xây dựng nhà xưởng cho đến khi đi vào sản xuất, kinh doanh. Mọi hoạt động của các công ty đều nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo của cán bộ chuyên trách. BQL luôn có cán bộ đại diện tại các KCN để nắm bắt thông tin về DN; tham mưu cho tỉnh xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xúc tiến đầu tư phía bắc để thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh.
Năm 2012, một năm khó khăn đối với tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh của cả nước, nhưng Bắc Ninh vẫn là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được hơn 52 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 1,2 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 75 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách hơn chín nghìn tỷ đồng.
Hỗ trợ các nhà đầu tư
FDI là nguồn quan trọng góp phần giải quyết sự thiếu hụt về vốn trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn này trở thành “cú hích” để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Lợi ích quan trọng và lâu dài mà DN FDI mang lại ngoài giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, còn là chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến. Kỹ sư trẻ Nguyễn Hữu Dũng làm việc tại tập đoàn Samsung Việt Nam cho biết: Làm ở đây có thu nhập không thua kém đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, và điều quan trọng là học được kinh nghiệm trong điều hành, quản lý của một tập đoàn lớn. Chỉ tính riêng Tập đoàn Samsung Việt Nam đã thu hút khoảng 30 nghìn lao động vào các dây chuyền sản xuất chính, nếu cộng tất cả các công ty vệ tinh của Tập đoàn Samsung trên địa bàn thì số lao động lên đến 80 nghìn người. Chị Nguyễn Thị Hằng làm công nhân ở Công ty Samsung Việt Nam hơn hai năm cho biết: Thu nhập trung bình của công nhân tại Samsung Việt Nam khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca có thể lên đến tám triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn có chế độ đãi ngộ đối với người lao động như tổ chức xe buýt đưa đón, vui chơi giải trí, tham quan du lịch, đào tạo các khóa ngắn và dài hạn. Hiện, công ty đã có bốn khu nhà ở dành cho công nhân, trong năm nay sẽ xây dựng thêm 10 khu, giải quyết chỗ ở cho 6.000 người.
Ðể duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững, bên cạnh những ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định chung của Nhà nước, Bắc Ninh có nhiều cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nhân Chiến cho biết: Ðể thu hút đầu tư, Bắc Ninh không “xé rào” cạnh tranh thiếu lành mạnh mà tập trung tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, hỗ trợ DN thông qua hỗ trợ kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN đối với các DN có số thu ngân sách hằng năm hơn 80 tỷ đồng giai đoạn 2013-2015. Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xây dựng các mô hình công nghệ chất lượng cao. Hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng (giao đất sạch) cho các DN đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như bao tiêu và chế biến nông sản, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao… Về cung ứng và đào tạo lao động khi nhà đầu tư có nhu cầu, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động với mức 380 nghìn đồng/người/tháng đối với người có hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh, thời gian đào tạo không quá năm tháng. Ngoài ra, nhà đầu tư được tỉnh tạo điều kiện liên kết, hợp tác đào tạo nghề với các trường, các trung tâm dạy nghề và được ưu tiên tuyển lao động đã qua đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh quản lý. Hiện tại, Bắc Ninh áp dụng và triển khai rộng rãi mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” và “một cửa liên thông hiện đại” tại nhiều sở, ban, ngành liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh,…
Các tập đoàn đa quốc gia quyết định đầu tư vào một thị trường, ngoài những yếu tố quan tâm hàng đầu là chính trị ổn định, đất đai, lao động, thì nơi nào có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh cũng trở thành tiêu chí quan trọng để họ lựa chọn. Bắc Ninh thấy rõ được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trong đó DN trong tỉnh có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của các DN lớn tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Văn Túy cho biết: Nhận thức rõ vấn đề này, Bắc Ninh ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai. Tăng cường liên kết với các DN trong nước; tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên tinh thần khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hóa. Sau khi rà soát lại quy hoạch tổng thể, tỉnh sẽ có những chương trình khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, từng bước khắc phục hạn chế hiện nay, đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu và linh kiện đầu vào ngày càng tăng của các DN FDI.
Nhandan
Ý kiến ()