Bắc Ninh - Nhân tố mới trong phát triển công nghiệp hỗ trợ
Sau 15 năm tái lập, ngành công nghiệp của Bắc Ninh đã có bước phát triển đột phá, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Điểm nổi bật trong phát triển công nghiệp của Bắc Ninh, đó là xu hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Sau 15 năm tái lập, ngành công nghiệp của Bắc Ninh đã có bước phát triển đột phá, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của địa phương. Điểm nổi bật trong phát triển công nghiệp của Bắc Ninh, đó là xu hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Để gia tăng phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bắc Ninh đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Năm 2004, các khu công nghiệp Bắc Ninh đã bắt đầu tiếp nhận dòng vốn đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Làn sóng mới – h iệu quả cao
Đã có nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn tầm cỡ quốc tế như Samsung, Canon, Foxcom, Nokia,… đầu tư vào Bắc Ninh. Sự đầu tư của những tập đoàn lớn này đã góp phần tạo ra một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp hỗ trợ cho quá trình sản xuất các sản phẩm điện tử, viễn thông. Theo số liệu của Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, tính đến hết tháng 6/2013, đã có 140 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, máy tính, ô tô, xe máy, cơ khí,… được cấp phép với tổng vốn đăng ký 998,5 triệu USD. Với quy mô bình quân 7,132 triệu USD/dự án, diện tích đất bình quân 1,4465 ha/dự án, tổng quỹ đất mà các dự án này đã thuê là 202,51 ha đất và nhà xưởng. Các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…
Nhìn chung, các nhà đầu tư ở Bắc Ninh đang có xu hướng thay đổi quy mô đầu tư theo hướng tích cực, từ những dự án có quy mô vốn nhỏ sang những dự án có quy mô vốn lớn. Hiện, một số nhà đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ có số vốn đầu tư lớn như Samsung SDI Việt Nam (104,6 triệu USD); Furning component (80 triệu USD); Mitac Precision (60 triệu USD)… Bên cạnh đó là những dự án có quy mô với tổng vốn đăng ký từ 5 – 10 triệu USD. Các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh đã phát huy hiệu quả cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của địa phương.
Tính đến tháng 6/2013, đã có 74 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử, 20 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy đi vào hoạt động, trong đó có một số doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điểm đáng chú ý, giá trị sản xuất ở các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng. Nếu năm 2012, giá trị sản xuất khu vực này đạt 517,005 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,79% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các khu công nghiệp, thì trong 6 tháng đầu năm 2013, con số này đã tăng lên 840,81 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,65%. Nhờ giá trị sản xuất ngày càng tăng, nên nộp ngân sách của khu vực công nghiệp này ngày càng tăng. Nếu năm 2012, nộp ngân sách của khu vực này đạt 8,1575 triệu USD, thì 6 tháng đầu năm 2013, con số này đã tăng lên tới 40,506 triệu USD. Cùng với việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, khu vực này cũng tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. 6 tháng năm 2013, khu vực này đã tạo việc làm thường xuyên cho 25.208 người, trong đó có 12.408 lao động là người địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Có thể thấy, đây là con số khá tích cực, trong điều kiện nền kinh tế nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động nên nhiều lao động không có việc làm. Hoạt động của khu vực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không những có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần quan trọng vào đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những tồn tại cần sớm khắc phục
Tuy công nghiệp hỗ trợ ở Bắc Ninh đã có bước phát triển mới, nhưng nhìn chung, đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và vừa, và chủ yếu là doanh nghiệp FDI; số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa nhiều. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều phải nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu để sản xuất, nên tỷ lệ nội địa hoá chưa cao. Các mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn chưa chặt chẽ, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước và các loại hình dịch vụ hỗ trợ khác.
Các công ty thường hoạt động theo phương thức gia công cho công ty mẹ hoặc gia công cho bạn hàng, nên khó kiểm soát về giá trong hoạt động thương mại đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Một số doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc tuân thủ và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người lao động, dẫn tới tình trạng tranh chấp, đình công, lãn công. Chi phí trả lương cho người lao động chưa tương xứng với công việc người lao động đảm nhận. Đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều sử dụng chủ yếu lao động nữ, gây lên sự mất cân đối về lao động trong lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển của một số ngành công nghiệp khác như may mặc, sản xuất hàng dân dụng…
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại để công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển đột phá mới, Bắc Ninh cần tập trung phát triển các ngành, các sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, hiệu quả, thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Có sự hỗ trợ cụ thể về tài chính, thuế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nhanh các nguồn vốn. Xem xét cho hưởng ưu đãi thuế công nghệ cao nếu sản phẩm cung ứng là công nghệ cao.
Đẩy nhanh tốc độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp và hạ tầng xã hội phục vụ các khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của công nhân. Khuyến khích các công ty đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê, cho phép các doanh nghiệp đã đầu tư tại các khu công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không còn duy trì hoạt động sản xuất chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực cho thuê nhà xưởng, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Thực hiện tốt quy hoạch và triển khai các giải pháp hỗ trợ nguồn nhân lực. Tổ chức đào tạo và hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuyển dụng lao động. Xây dựng quỹ khuyến khích phát triển khoa học – chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cung cấp thông tin,…
Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc hình thành và phát triển các mối liên kết kinh tế, khuyến khích phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhất là doanh nghiệp trong nước. Các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn lớn để tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ,…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()