tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2104/ae84891bb379d7172bbea68b9be12a91_L.jpg” border=”0″ alt=”Công nhân Công ty Tenma (Khu công nghiệp Quế Võ) sản xuất linh kiện cung cấp cho Công ty Canon Việt Nam.” /> Sau 16 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển công nghiệp thuộc top 10 của cả nước. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, Bắc Ninh vẫn thu hút được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng bền vững theo hướng thành trung tâm công nghiệp điện tử viễn thông của cả nước.
Ðột phá trong thu hút đầu tư
Năm 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập. Trải qua 16 năm xây dựng và phát triển, từ một tỉnh thuần nông đã phát triển nhanh chóng thành tỉnh mạnh về công nghiệp. Kinh tế luôn tăng trưởng ở mức cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,1%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HÐH. Năm 2012, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 76,4%, quy mô công nghiệp tăng nhanh và giữ vai trò quan trọng về tăng trưởng kinh tế của cả nước. Là một trong năm tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất toàn quốc, huy động được lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển với tốc độ tăng bình quân 25%/năm, đến nay, Bắc Ninh đã thu hút được hơn một nghìn dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng số vốn đạt gần 10 tỷ USD.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 15 khu công nghiệp (KCN) tập trung nằm trong danh mục KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tổng diện tích 6.847 ha. Ðến nay đã có chín KCN đi vào hoạt động, một số KCN còn lại đang làm thủ tục triển khai xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích thu hồi đạt hơn 79%. Các KCN trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng cao theo hướng hiện đại, từng bước hình thành công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm cho gần 130 nghìn lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong sáu tháng đầu năm 2013 đạt hơn 274 nghìn tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu ước 11 tỷ USD, đạt gần 78% kế hoạch, tăng 109% so với cùng kỳ, đứng thứ hai toàn quốc.
Ðến nay, ngành công nghiệp của tỉnh không những phát triển, bảo tồn và nhân rộng ngành nghề truyền thống mà còn phát triển thêm nhiều ngành công nghiệp mới, sản phẩm mới. Trong đó, đáng chú ý là ngành công nghiệp điện tử viễn thông, với sự đóng góp của nhiều tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng thế giới và chính các tập đoàn này đã làm thay đổi và tạo nên đột phá của ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay, ngành công nghiệp điện tử viễn thông có 180 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư hơn 3,8 tỷ USD; thu hút hơn 87 nghìn lao động; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 13,85 tỷ USD. Trong đó, riêng các nhà máy thuộc Tập đoàn Samsung và Canon đã chiếm hơn 90% số lượng lao động cũng như các chỉ tiêu cơ bản về vốn, doanh thu, tài sản của cả ngành này.
Sau hơn năm năm đi vào hoạt động, có thể nói dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) là thành công lớn nhất của Bắc Ninh trong phát triển công nghiệp. Từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3-2008, SEV đã nhanh chóng thực hiện các cam kết trong việc triển khai Khu Tổ hợp công nghệ Samsung. Theo số liệu mới nhất tính đến tháng 7-2013, Samsung đã giải ngân hơn 1,1 tỷ USD trong tổng số 1,5 tỷ USD vốn đầu tư. Số vốn còn lại Samsung sẽ giải ngân hết trong năm 2013, sớm hơn cam kết hai năm. Không dừng lại ở đó, ngày 20-6-2013, Samsung Việt Nam tiếp tục được chấp thuận đầu tư thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của SEV tại Bắc Ninh lên 2,5 tỷ USD. Ðây là một trong số ít dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam triển khai nhanh, đúng tiến độ, có đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của địa phương và kéo theo được nhiều doanh nghiệp FDI thuộc ngành điện tử viễn thông.
Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Sim Uôn Hoan cho biết: Năm 2012, công ty đạt tổng doanh thu 13 tỷ USD, năm 2013, công ty dự kiến đạt tổng doanh thu 16 tỷ USD. Và điều quan trọng nhất là Samsung đã có kế hoạch biến Việt Nam trở thành “cứ điểm” toàn cầu để tiếp cận thị trường thế giới, trong đó Bắc Ninh là trọng điểm của quá trình đầu tư. Cùng với Samsung, Canon cũng là tập đoàn đầu tư lớn tại Bắc Ninh ở hai KCN Tiên Sơn và Quế Võ. Ông Kát-xu-y-ô-xi Xô-ma, Tổng Giám đốc Công ty Canon Việt Nam cho biết: Bắc Ninh là tỉnh có nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Các cấp, các ngành của tỉnh luôn đồng hành giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện các thủ tục đầu tư mà doanh nghiệp nước ngoài gặp phải. Ðây cũng là lý do khiến Canon chọn Bắc Ninh để tiếp tục mở rộng sản xuất.
Thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc
Trong một thời gian dài, Bắc Ninh luôn tạo nên sự bứt phá ngoạn mục về tăng trưởng. Mặc dù vậy, hoạt động đầu tư vào tỉnh cũng bộc lộ những mặt hạn chế như một số dự án lớn sử dụng nhiều đất nhưng đóng góp vào ngân sách của tỉnh còn ít, sử dụng nhiều lao động giản đơn, các dự án sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp ráp, tận dụng ưu đãi, nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, lợi thế so sánh giảm dần… Xuất phát từ những vấn đề đó, cấp ủy, chính quyền tập trung điều chỉnh chính sách về thu hút nguồn vốn đầu tư với mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn nhằm phát huy hiệu quả đóng góp đối với nền kinh tế của tỉnh, hướng tới xây dựng Bắc Ninh thành trung tâm công nghiệp điện tử viễn thông của cả nước trong tương lai.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Với mục tiêu đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao của cả nước, tỉnh Bắc Ninh xác định tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh theo hướng chọn lọc và quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa. Theo đó, địa phương tập trung lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư, xây dựng danh mục lĩnh vực hạn chế đầu tư nhằm nâng cao chất lượng của dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện của các dự án đầu tư. Hiện, Bắc Ninh đang tập trung ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, tạo điều kiện tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Tập trung thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên tinh thần khuyến khích tỷ lệ nội địa hóa cao, ưu tiên phát triển các dự án có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Nói về các chính sách ưu đãi của tỉnh trong thu hút đầu tư, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Ðể thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Ninh không “xé rào” cạnh tranh thiếu lành mạnh mà tập trung tạo môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng, hấp dẫn, tin cậy để vận động thu hút, nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp thông qua hỗ trợ kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN. Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xây dựng các mô hình công nghệ chất lượng cao. Hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng (giao đất sạch) cho các doanh nghiệp đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, nhà đầu tư được tạo điều kiện liên kết, hợp tác đào tạo nghề với các trường, các trung tâm dạy nghề và được ưu tiên tuyển lao động đã qua đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn thuộc tỉnh quản lý. Hiện tại, Bắc Ninh đã áp dụng và triển khai mô hình “một cửa liên thông hiện đại” tại nhiều sở, ngành liên quan đến các lĩnh vực: xây dựng, đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh… Ban quản lý các KCN cũng luôn phối hợp chặt chẽ với các công ty đầu tư hạ tầng, các cấp, ngành tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp nhằm trao đổi, cập nhật thông tin về chính sách pháp luật của Nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp.
Ðể thực hiện có hiệu quả sự điều chỉnh thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp trên địa bàn, tỉnh Bắc Ninh tập trung hoàn thiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai dự án như đường giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, nhà ở cho người lao động, chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng sản xuất cho các dự án… Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao và phẩm chất đạo đức tốt. Chủ động phối hợp hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với các hoạt động ngoại giao, thương mại và du lịch…
Các tiền đề trên là cơ sở cho việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, mà trọng tâm là ngành công nghiệp điện tử viễn thông, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử viễn thông của Việt Nam và khu vực trong tương lai.
Theo Nhandan.vn
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()