Bắc Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bắc Ninh chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, đến nay tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Phát huy kết quả đạt được, Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ chiếm từ 35 đến 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp…
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bắc Ninh Đặng Trần Trung cho biết, Bắc Ninh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất cả nước nhưng lại có nhiều khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp và làng nghề, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa hết sức to lớn.
Toàn tỉnh hiện có 56 cơ sở trồng trọt ứng dụng CNC với tổng diện tích 213,45 ha, trong đó 82,86 ha sản xuất rau, hoa cao cấp theo công nghệ nhà lưới, nhà màng, nhà kính. Công nghệ nhà màng, nhà lưới, nhà kính cùng công nghệ tưới tự động, nhỏ giọt kết hợp dinh dưỡng, công nghệ thủy canh được áp dụng nhiều vào sản xuất rau, củ, quả an toàn và hoa cao cấp có giá trị kinh tế cao.
Các quy trình canh tác tiên tiến bảo đảm chất lượng an toàn của nông sản như: ICM, GAP, VietGAP đã và đang được áp dụng ở nhiều địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có bảy vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP (tăng sáu vùng so với năm 2015) với tổng diện tích 150 ha; 14 vùng sản xuất rau đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (tăng 13 vùng so với năm 2014) với tổng diện tích 91,2 ha. Năm 2020, giá trị sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất trồng trọt của tỉnh, tăng 156% so với năm 2014.
Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (huyện Lương Tài) Nguyễn Thị Trâm cho biết: Lương Tài là huyện thuần nông, người dân chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống cho nên giá trị sản xuất không cao. Năm 2014, tôi thành lập công ty, năm 2016 mở rộng diện tích và đầu tư công nghệ vào sản xuất. Thời điểm đó, công ty thuê khoảng 5 ha đất trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, ngoài măng tây còn trồng luân canh các loại rau ngắn ngày theo mùa vụ. Chúng tôi mạnh dạn đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật như hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, máy lên luống, máy xới, nhà lưới vào sản xuất. Tháng 10 năm 2018, công ty chính thức được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Sản phẩm chất lượng cùng tờ giấy “thông hành” đã giúp Hải Phong có đầu ra ổn định. Ngoài diện tích 5 ha, công ty còn liên kết với các tổ chức, cá nhân trồng 50 ha rau màu. Hiện nay, tất cả diện tích canh tác của Hải Phong đều được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất, công nghệ tiên tiến và hiện đại. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn của Bắc Ninh đã áp dụng công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, hệ thống uống tự động. Toàn tỉnh hiện có 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín (tăng 37 trang trại so với năm 2014), trong đó 46 trang trại nuôi lợn, 19 trang trại nuôi gia cầm, sáu trang trại nuôi thỏ; một trang trại nuôi chim bồ câu.
Nhiều cơ sở chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin vào sản xuất nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm chi phí lao động thủ công, nâng cao mật độ chăn nuôi trên một đơn vị diện tích và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn. Điển hình như Công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi gia công Dabaco (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du) với 20.000 m2 chuồng kín theo công nghệ của Đức nuôi gần một triệu con gà đẻ trứng, mỗi năm sản xuất gần 200 triệu quả trứng thương phẩm. Công ty TNHH một thành viên gà giống Dabaco (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du) với hệ thống chuồng trại, máy ấp hiện đại, nuôi 350 nghìn con gà giống bố mẹ, mỗi năm sản xuất và cung cấp cho thị trường 20 đến 25 triệu con gà giống các loại. Công ty TNHH Delco (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành) nuôi 30.000 con gà đẻ trứng, mỗi năm sản xuất gần 9 triệu quả trứng thương phẩm. Trang trại được điều khiển tự động toàn bộ trong quá trình sản xuất, thu trứng tự động, sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, công nghệ di truyền, công nghệ sinh học đã được nhiều cơ sở sản xuất lợn giống, gia cầm giống trên địa bàn tỉnh áp dụng để lai tạo, chọn lọc những giống vật nuôi chất lượng cao đưa vào sản xuất. Năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng CNC chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh, tăng 182% so với năm 2014.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh, những năm qua, lĩnh vực thủy sản cũng ghi nhiều dấu ấn. Hiện toàn tỉnh có 1.875 ha ao, hồ nuôi cá thâm canh sử dụng máy quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước nuôi (tăng 984 ha so với năm 2014), năng suất cá đạt 8 đến 12 tấn/ha/vụ; 168 hộ nuôi cá lồng trên sông với 2.267 lồng, năng suất cá đạt 4 đến 6 tấn/lồng/lứa nuôi; sản lượng cá lồng ước đạt hơn 8.248 tấn/năm.
Việc nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP được nhiều cơ sở, hộ nuôi áp dụng. Đến nay, toàn tỉnh có 141 cơ sở, hộ nuôi thủy sản áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP (năm 2014 chưa có cơ sở nào áp dụng). Năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản ứng dụng CNC hiện chiếm khoảng 44,5% tổng giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh, tăng 217% so với năm 2014.
Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan song hiện nay sản xuất nông nghiệp ở Bắc Ninh vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc đưa khoa học công nghệ, CNC vào sản xuất đòi hỏi nguồn vốn lớn và người sản xuất phải có trình độ.
Hiện nay ngoài các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: Nghị quyết số 147/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh… nhưng việc nông dân tiếp cận các chính sách này còn gặp một số khó khăn.
Tỉnh Bắc Ninh đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm từ 35 đến 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngành nông nghiệp đã giao cho Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp CNC chủ trì tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2021 đến 2025.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC để tăng năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và sử dụng hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp là bước phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ rà soát quy hoạch phát triển nông nghiệp theo các giai đoạn để xây dựng chiến lược phát triển cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, khu vực, địa phương. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển thành vùng tập trung quy mô lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng CNC trong sản xuất, các công nghệ ứng dụng như công nghệ về giống, công nghệ sinh học… nhằm tạo ra những giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng cao để sản xuất nhân rộng. Đồng thời, tập trung đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành quy trình sản xuất khép kín, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái. Có chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp CNC, thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC.
Ý kiến ()